|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lên phương án nhập nhập điện từ Lào, Trung Quốc cho năm 2024 nếu cần thiết

08:27 | 08/11/2023
Chia sẻ
Để đảm bảo nguồn cung điện cho năm 2024, Thường trực Chính phủ cho rằng ngoài việc sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước, các bộ quản lý có thể tính toán phương án mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc, tuy nhiên cần phải dự báo chính xác.

Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024, theo Vietnamnet.

Theo kịch bản của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5% trong điều kiện tổng nguồn điện chỉ có từ 50.000 MW-52.000 MW.

Để thực hiện được kịch bản này, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, EVN bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Các đơn vị như Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), Tổng công ty Đông Bắc cần tổ chức sản xuất, khai thác tối đa nguồn than trong nước để cung cấp cho nhiệt điện năm 2024, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Về nguồn thủy điện, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Ủy ban Quản lý vốn căn cứ thẩm quyền chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) điều hành linh hoạt tích giữ, sử dụng nước; khai thác tối đa công suất phát điện vào cao điểm hè (tháng 5, tháng 6 hàng năm) và có tính toán dự phòng trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.

Với nguồn năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện để tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn.

Ngoài việc sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước, Thường trực Chính phủ cho rằng có thể tính toán phương án mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc nhưng phải sớm đưa ra dự báo chính xác.

Với điện than BOT (nhà máy điện đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn, EVN phải thống kê lại các dự án BOT chậm tiến độ so với quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15/11.

“Quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch hoặc chấm dứt hợp đồng. Việc này ta phải nắm quyền chủ động”, Thường trực Chính phủ nêu rõ.

Hoàng Anh