Giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,5% lên hơn 2.006 đồng/kWh từ 9/11
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/11. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Đây là đợt tăng giá điện lần thứ hai trong năm 2023.
Trước đó ngày 31/3, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
“Chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh” EVN cho biết.
Mới đây, EVN cho biết giá bán lẻ điện đã tăng 3% từ ngày 4/5, giúp doanh thu của EVN năm 2023 tăng khoảng 8.000 tỷ đồng, song cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn. Tập đoàn vẫn gặp khó trong cân bằng tài chính.
EVN lý giải cơ cấu chi phí phát điện chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 82,8%. Trong khi đó, cơ cấu sản lượng đang thay đổi theo hướng bất lợi, các nguồn mua có giá rẻ giảm, nguồn mua có giá đắt tăng.
Giá các loại nhiên liệu năm 2023 vẫn ở mức cao so với năm 2020-2021 dẫn tới chi phí sản xuất và mua điện vẫn tăng cao. Cụ thể, giá than nhập gbNewC gấp gần 3 lần lần so với năm 2020, giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020.
Giá than pha trộn mua từ Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam năm 2023 cũng dự kiến tăng 30 - 46%, tuỳ từng chủng loại than so với năm 2021; giá than pha trộn mua từ Tổng công ty Đông Bắc năm 2023 dự kiến tăng 41 - 50%.
Giá dầu HSFO tăng 1,8 lần so với năm 2020; giá dầu thô Brent dự kiến tăng 86%. Ngoài ra, sản lượng khí ở mỏ Nam Côn Sơn suy giảm nên các nhà máy nhiệt điện khí phải mua khí ở mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng với giá cao.
Giá nhiên liệu leo thang khiến giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao, trong khi nguồn điện này chiếm tỷ trọng tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống năm 2023. Mặt khác, tỷ giá ngoại tệ năm 2023 dự kiến tăng 4% so với năm 2021.