|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu thụ kém, số ngày tồn kho của doanh nghiệp xi măng lên cao

09:20 | 01/11/2023
Chia sẻ
Kể từ quý III/2022 đến nay, tiêu thụ xi măng ảm đạm theo sự chững lại của thị trường bất động sản và xuất khẩu. Số vòng quay tồn kho đến cuối quý III của các doanh nghiệp chậm lại, đồng nghĩa số ngày tồn kho/vòng tăng, dao động từ 55 đến 119 ngày/vòng.

Tiêu thụ xi măng chậm, số ngày tồn kho của doanh nghiệp ở mức cao

Cung vượt cầu đã xuất hiện ở ngành xi măng từ nhiều năm nay, nhưng năm nay tình trạng này càng rõ nét hơn khi thị trường bất động sản gặp khó, lạm phát gia tăng khiến việc xuất khẩu mặt hàng này cũng chẳng mấy khả quan. 

Số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho thấy 9 tháng năm nay, tiêu thụ đạt 65 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 42 triệu tấn, giảm 17%; xuất khẩu khoảng 23 triệu tấn, giảm 2%.

Bán hàng xi măng giảm sút mạnh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao đã khiến doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ trong 9 tháng năm 2023, không ít nhà máy phải tạm dừng lò hoặc giảm sản lượng.

Bảng thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng năm nay của các doanh nghiệp xi măng đã niêm yết cho thấy 5/6 công ty lỗ sau thuế, một doanh nghiệp còn lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 76%.

 (Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC quý III hợp nhất của các doanh nghiệp)

Trao đổi với người viết, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNCA cho biết các nhà máy xi măng đạt điểm hòa vốn khi công suất nhà máy đạt khoảng 75%. Do vậy, việc doanh nghiệp thua lỗ có thể rơi vào hai trường hợp: công suất nhà máy dưới điểm hòa vốn hoặc công suất sản xuất trên điểm hòa vốn nhưng không thể tăng giá bán, doanh nghiệp phải bán dưới giá thành để duy trì hoạt động cho toàn hệ thống.

Ông Long cho biết tồn kho của các doanh nghiệp xi măng rất ít và thời gian hàng nằm trong kho dưới 2 tháng do đặc thù sản phẩm dễ bị oxy hóa, chi phí lưu kho cao. Do vậy, nếu doanh nghiệp có hàng tồn kho, chỉ có một phần là sản phẩm, còn lại có thể là clinker dự trữ cho sản xuất.

Thống kê giá trị hàng tồn kho của 6 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III thấy tính đến ngày 30/9, chỉ số này của 4/6 công ty ghi nhận tăng so với cuối quý II.

 

Là doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ xi măng khoảng 11% tại thị trường trong nước, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) có giá trị hàng tồn kho tính đến ngày 30/9 đạt 841 tỷ đồng, giảm 6% so với cuối quý II và giảm 19% so với đầu kỳ. Doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá 44 tỷ đồng, không thay đổi với đầu kỳ.

Ngay từ đầu quý III/2022, thị trường bất động sản trong nước rơi vào khủng hoảng kéo theo tiêu thụ mặt hàng xi măng cùng đi xuống, số vòng quay hàng tồn kho liên tục sụt giảm qua các quý. 

Quý III cũng là thời điểm mùa mưa, tiêu thụ xi măng chững lại khiến số vòng quay tồn kho của Xi măng Hà Tiên sụt giảm so với quý II, từ 2,1 lần xuống còn 1,7 lần, mức thấp nhất kể từ năm 2022 đến nay.

Vòng quay tồn kho ít hơn, đồng nghĩa với việc hàng hóa sẽ phải nằm trong kho lâu hơn. Như vậy, doanh nghiệp này cần 55 ngày để luân chuyển được một vòng hàng tồn kho, chu kỳ dài nhất kể từ quý I/2022.

Hệ số vòng quay hàng tồn kho được tính bằng cách lấy giá vốn hàng bán chia cho giá trị trung bình của hàng tồn kho trong kỳ. Số ngày tồn kho trong một quý bằng 90 chia cho vòng quay hàng tồn kho của quý đó. 

Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023 tại ĐHĐCĐ, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Xi măng Hà Tiên cho rằng nhu cầu tiêu thụ xi măng phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của COVID-19; các công trình, dự án cũng bị đình trệ triển khai, thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm do lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

Còn đối với CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC), số vòng quay tồn kho theo quý đạt mức thấp nhất vào quý IV/2022, tương ứng 1,4 vòng/quý. Điều này khiến số ngày tồn kho tăng mạnh lên 63 ngày/vòng.

Tính đến ngày cuối quý III, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này khoảng 428 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối quý II và giảm 29% so với đầu kỳ, trong đó trích lập dự phòng giảm giá khoảng 28,5 tỷ đồng. Số ngày tồn kho/vòng quay khoảng 58 ngày, dài chỉ sau quý IV/2022.

 

Trong 3 doanh nghiệp xi măng có quy mô doanh thu trên 1.500 tỷ đồng, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS) là doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho tăng liên tục 6 quý liên tiếp, kể từ quý I/2022. Tính đến ngày 30/9, giá trị hàng tồn kho của Xi măng Bút Sơn khoảng 707 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối quý II và tăng 13% so với đầu kỳ.

Số vòng tồn kho theo quý của doanh nghiệp này cũng giảm liên tục từ đầu năm 2022 đến nay và chỉ còn 0,8 vòng vào cuối quý III. Do đó, số ngày tồn kho/vòng lên 119 ngày cuối quý III, mức cao nhất của doanh nghiệp này nói riêng và ba doanh nghiệp xi măng lớn nói chung.

Xi măng Bút Sơn cho biết đây là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay khi cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu chính xi măng và clinker ảm đạm, trong khi đó cạnh tranh trong ngành lại ngày càng gay gắt.

 

Ngành xi măng 2023 khó thoát tăng trưởng âm

Theo Phó Chủ tịch VNCA, tiêu thụ xi măng năm 2023 có thể đạt tối đa 90 triệu tấn, trong đó bán hàng nội địa khoảng 57-60 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 27-30 triệu tấn. 

“Ngành xi măng năm 2023 khó thoát tăng trưởng âm do bất động sản đóng băng, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công đến nay còn chậm”, ông Lương Đức Long dự báo.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhìn nhận sang năm 2024, tình hình chung của ngành có thể khởi sắc khi kinh tế được dự báo sẽ hồi phục, trong đó kỳ vọng nhiều vào các dự án đầu tư công.

Ở mảng xuất khẩu, các doanh nghiệp đang chuyển hướng sang các thị trường như Mỹ, Australia, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phát huy tiềm năng của ngành với tổng công suất thiết kế có thể lên tới 120 triệu tấn/năm.

Phạm Mơ