Xuất khẩu tôm quí I có thể giảm do chịu tác động bởi dịch virus corona
Dịch bệnh do virus corona ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm
Theo Vasep, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng đến hết ngày 9/2 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng dương tốt nhất trong top 6 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, quí I/2020, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc dự kiến giảm do tác động của dịch do virus corona.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm có đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, các đơn hàng đi Trung Quốc tạm thời chưa thể thực hiện do nhà nhập khẩu thông báo lùi thời gian giao hàng nên chi phí lưu kho của doanh nghiệp tăng.
Trước đó, tại "Hội nghị thúc đẩy thương mại phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh corona" hôm 3/2, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kí VASEP cho biết các đơn hàng thủy sản đi đường bộ chưa chịu nhiều tác động nhưng các đơn hàng đi đường biển đã kí từ trước Tết đến nay đều chậm lại.
Trong khi đó, việc vận chuyển hàng qua đường biến gặp khó khăn do một số hãng tàu lớn đi Trung Quốc không nhận đơn hầng.
Ngoài ra, một số thị trường lớn như Nhật Bản yêu cầu không đưa hàng sang Trung Quốc trước khi sang nước họ.
Một doanh nghiệp tôm cho biết đã kí đơn hàng xuất khẩu hơn 600 tấn tôm cho khách hàng Trung Quốc nhưng mới chỉ giao được một nửa trước Tết. Số còn lại hiện phải lưu kho.
Trên thị trường thế giới, giá tôm thời gian tới sẽ giảm vì nguồn cung tăng mạnh. Hàng của các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan cũng đang ùn ở cảng Trung Quốc mà chưa được thông quan.
Nhiều tàu biển hiện không thể cập cảng ở Trung Quốc do việc đóng và bốc dỡ hàng hóa diễn ra chậm hoặc không hoạt động. Các nước này cũng sốt sắng tìm thị trường thay thế như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) nên việc này cũng ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong khi nhu cầu nhập khẩu tôm từ Hàn Quốc, Mỹ, EU cũng bị tác động không tốt do tâm lý e dè, lo ngại dịch bệnh nên cũng ảnh hưởng tới việc chốt hợp đồng mới của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các công ty chiếm thị phần nhỏ ở Trung Quốc cơ bản việc tiêu thụ tôm không bị ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay.
VASEP cho biết Công ty CP thực phẩm Sao Ta (FMC) có thị phần ở Trung Quốc không tới 0,5%. Trung Quốc mua tôm Việt Nam chủ yếu là tôm sú cỡ lớn. Thời điểm này tôm sú cỡ lớn hết vụ, sản lượng cuối mùa không đủ trả các hợp đồng các thị trường khác. Do đó, cơ bản doanh nghiệp không bị ảnh hưởng việc tiêu thụ tôm trong giai đoạn hiện nay.
Cơ hội tăng thị phần tại các thị trường khác
VASEP cho rằng phía sau những tác động của dịch corona từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và giao thương với Trung Quốc, thì doanh nghiệp tôm Việt Nam cũng có thể có cơ hội giành thị phần lớn hơn tại các thị trường truyền thống của các nhà cung cấp tôm Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, EU khi nhiều nhà nhập khẩu đang tạm ngừng đơn hàng từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sau đại dịch này, có thể người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phải thay đổi nhận thức và thói quen ăn uống, hạn chế ăn thực phẩm tươi sống và sẽ chuyển sang tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm tôm chế biến sâu đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến, nấu chín.
Nhu cầu tiêu thụ tôm của người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ cao hơn để thay thế cho các mặt hàng giáp xác sống khác như tôm hùm, các mặt hàng tươi sống như cá hồi ướp lạnh.
Tỉ lệ đơn hàng cá hồi ướp lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc hiện bị hủy lên đến 80 - 90%. Nhiều chuyến bay tới Trung Quốc đã bị hủy và nhiều hãng cung cấp cá hồi, tôm hùm tại Scotland, Na Uy hoặc Australia cho Trung Quốc đang phải chật vật tìm kiếm thị trường thay thế.
VASEP cho rằng trong bối cảnh tình hình dịch virus corona diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh chờ đợi thị trường Trung Quốc hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới và phát triển thị trường nội địa, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất một cách kịp thời.