Xuất khẩu phục hồi nhẹ so với nền thấp, ngành thuỷ sản có thể cán đích 10 tỷ USD?
Xuất khẩu phục hồi nhẹ so với mức nền thấp
Cục Xuất nhập khẩu mới đây dẫn số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong nửa đầu năm nay tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023 đạt 4,4 tỷ USD. Trong đó, tháng 6 có mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 12/2023 đạt gần 841 triệu USD.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản, hầu hết mặt hàng thuỷ sản chủ lực ghi nhận sự tăng trường.
Mặt hàng tôm (chiếm tỷ trọng lớn nhất 36%) tăng 5%, trong đó tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%, tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ đạt hơn 130 triệu USD.
Mặt hàng có tỷ trọng lớn thứ hai (khoảng 20%) là cá tra cũng tăng 5%. Riêng mặt hàng cua ghẹ, giáp xác đạt mức tăng trưởng mạnh nhất 75%. Tuy nhiên, mặt hàng này chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm nay tăng gần 25% đạt 477 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá đóng hộp, đóng túi tăng mạnh.
Mặc dù vậy, nhìn vào bức tranh rộng hơn, mức độ phục hồi của ngành thuỷ sản còn khá khiêm tốn khi so sánh với mức nền thấp của năm ngoái. Trước đó, trong nửa đầu năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giảm 27% so với cùng kỳ 2022 xuống còn 4,13 tỷ USD do ảnh hưởng bởi tình hình lạm phát tại các thị trường chính ở mức cao và xung đột Nga - Ukraine leo thang.
Tại Hội nghị toàn thể Hội viên VASEP hôm 10/6, ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP, Tổng Giám đốc CTCP Chế biến Thuỷ sản Tài Kim Anh, cho biết kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực tuy nhiên ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao, căng thẳng địa chính trị chưa có hồi kết.
Điển hình như tại thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao trong khiTôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến bắt đầu từ tháng 5 do căng thẳng khu vực Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới.
Những khó khăn tương tự lặp lại ở thị trường EU. Bên cạnh đó, đồng euro mất giá so với USD tạo áp lực thêm cho kết quả xuất khẩu.
Còn đối với thị trường Nhật Bản, tuy tồn kho của các nhà nhập khẩu không nhiều, nhưng đồng yen Nhật mất giá từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và lạm phát cao nên người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm.
Đối với mặt hàng cá tra, VASEP cho biết tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá cá tra sang các thị trường vẫn thấp. Trừ thị trường Mỹ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và khối lượng nhập, còn lại các thị trường như Trung Quốc, EU, Anh, ASEAN… giá xuất khẩu đều giảm.
Điển hình như khu vực ASEAN, giá cá tra xuất khẩu trung bình trong tháng 5 giảm 7,5% xuống 1,74 USD/kg - mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021 trong khi người nuôi đang phải chịu chi phí đầu nhiều hơn.Hay với thị trường Mexico, giá cá tra trong tháng 5 giảm 7,4% xuống 2,13 USD/kg.
Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao trong khi giá bán vẫn thấp, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong năm 2024.
Kỳ vọng cán đích 10 tỷ USD trong năm 2024
6 tháng đầu năm nay, ngành thuỷ sản đã thực hiện được 44% kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD của cả năm. Theo dự báo của Cục Xuất nhập, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi khi kinh tế thế giới cải thiện trong nửa cuối năm.
Theo đó, kinh tế Mỹ xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan như lạm phát giảm nhanh (từ 9% xuống còn 3% trong năm nay), thị trường lao động vững sẽ là các yếu tố hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng. “Đây sẽ là cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tới thị trường Mỹ trong thời gian tới”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Đồng quan điểm VASEP cũng kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, tạo cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu.
Cùng với đó, kinh tế EU cũng dần có xu hướng ổn định và lạm phát tiếp tục giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại đây nhiều khả năng sẽ tăng trở lại. VASEP cho biết kể từ tháng 3, lạm phát thậm chí còn giảm đáng kể hơn đối với thủy sản đông lạnh, với tỷ lệ lạm phát âm 0,9% trong tháng 5.
“Dự báo nhu cầu và nhập khẩu thủy sản của EU sẽ tăng trờ lại sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu. Lũy kế nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang EU 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái”, VASEP dự báo.
Hiệp hội kỳ vọng năm nay tình hình xuất khẩu sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. "Kim ngạch xuất khẩu sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023”, VASEP đánh giá.
Còn nhiều 'chướng ngại vật'
Xuất khẩu thủy sản Việt cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mặt hàng chủ lực là tôm phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của Ecuador và Ấn Độ khi giá tôm của hai nước này đang ở mức cạnh tranh hơn so với của Việt Nam.
Bên cạnh đó, dịch bệnh đang diễn biến khó lường có thể ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm trong khi hoạt động vận tải qua Kênh đào Panama và Kênh đào Suez vẫn gặp khó khăn. Cước vận chuyển từ châu Á đến châu Âu hiện khoảng 8.200 USD/FEU (container loại 40ft), tăng gần gấp 3 lần so với hồi đầu tháng 5.
Bà Lê Thuỳ Trang, Giám đốc bán hàng của Công ty Thương mại Siam Canadian tại Việt Nam, chia sẻ với Undercurrent News: "Chúng tôi hy vọng giá cước vận tải biển sẽ sớm giảm xuống để giá cá tra hấp dẫn hơn trên thị trường”.
Bà lưu ý rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có xu hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cá tra vì đây là loại cá thịt trắng có giá cả phải chăng hơn và vì lý do này, người nuôi và các công ty chế biến ở Việt Nam đang kỳ vọng nhu cầu sẽ cao hơn vào nửa cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, đối với mặt hàng cá ngừ, hoạt động xuất khẩu dù tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm, đang phải đối diện với nguy cơ thiếu nguyên liệu. VASEP cho biết các doanh nghiệp đang khó có thể duy trì được đà tăng trưởng vì một số quy định mới trong Luật Thuỷ sản ban hành hồi tháng 4.
Trong đó nêu, kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay quy định là 0,5m (tương đương trọng lượng từ 5kg đến 7kg). Tuy nhiên sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp. Vậy nên, khi nghị định có hiệu lực, tất cả cảng cá không thể cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác này, khiến cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước giảm. Đồng nghĩa với đó, doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy để sản xuất.
"Nếu Việt Nam không nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc khó khăn này cho doanh nghiệp, thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ bị mất thị trường xuất khẩu", VASEP cho biết.
Rủi ro thiếu nguyên liệu không chỉ đến với ngành cá ngừ mà còn diễn ra với một số ngành thuỷ, hải sản khác. Theo Tổng Cục Thuỷ sản đánh giá ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến cả nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên.
Điều này cũng đã được VASEP nhấn mạnh tại hội nghị toàn thể hội viên 2024. Các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và các quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản.
Một trong những nguyên nhân chính là các rào cản tài chính. Ông Nguyễn Nam Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Nam, cho biết việc tiếp cận các gói vay ưu đãi vẫn rất khó khăn, do các ngân hàng thường không chấp nhận thế chấp tài sản là sản phẩm thủy sản. Điều này là do việc định giá và quản lý tài sản này phức tạp, thiếu các đơn vị thẩm định giá chuyên sâu.
Giá dầu tăng cao cũng là một yếu tố quan trọng, làm gia tăng chi phí đánh bắt và giảm lợi nhuận từ xuất khẩu hải sản. Nhiều phương tiện đánh bắt đã phải tạm ngưng hoạt động do không bù đắp được chi phí sản xuất. Hơn nữa, biến đổi khí hậu cũng làm cho hoạt động khai thác thủy sản trở nên khó khăn hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và nhiệt độ tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của các loài thủy sản, làm giảm sản lượng đánh bắt tự nhiên.
Ngành thủy sản cũng đang đối mặt với sự bất cân đối giữa nguồn lợi hải sản và số lượng nhà máy chế biến, đặc biệt là trong mảng surimi (thịt cá xay). Ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty Việt Trường Seafood, cho biết nguồn nguyên liệu ngày càng giảm sút trong khi nhà máy mới liên tục được xây dựng. Điều này dẫn đến tình trạng giành giật nguyên liệu, đẩy giá thành sản xuất lên cao và khiến các doanh nghiệp thua lỗ.