Xuất khẩu nhôm của Trung Quốc lên cao nhất 9 tháng trong tháng 3
Giá heo hơi Trung Quốc hôm nay (16/4): Nhu cầu tăng trưởng chậm giá heo tiếp tục giảm | |
Vũ khí bí mật của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ |
Theo giới thương lái và các chuyên gia phân tích, ảnh hưởng từ mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ là khá hạn chế vì nó chỉ có hiệu lực từ ngày 23/3, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng nhiều hơn trong những tháng sắp tới vì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty United Company Rusal của Nga, làm đảo lộn các dòng thương mại quốc tế.
Báo cáo công bố hôm 13/4 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ ra, xuất khẩu nhôm chưa gia công và sản phẩm nhôm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 452.000 tấn trong tháng 3, ghi nhận tháng cao thứ 4.
Tuy nhiên, xuất khẩu thép đã giảm 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng trước xuống 5,65 triệu tấn, vì Trung Quốc hạn chế sản xuất để giải quyết vấn đề khói bụi, kéo giá thép nội địa lên cao.
Mỹ đánh thuế 10% đối với nhôm và 25% với thép nhập khẩu vào ngày 23/3. Theo Tổng thống Mỹ Doanld Trump, việc sử dụng thuế quan là để bảo vệ các nhà sản xuất kim loại Mỹ khỏi sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Cục Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu nhôm trong tháng 3 tăng 22,2% so với tháng mức 370.000 tấn của tháng 2. Còn xuất khẩu thép tăng 16,6% so với tháng 2, đạt 4,85 triệu tấn.
Bà Helen Lau, chuyên gia phân tích tại Argonaut Securities, nhận định giá nhôm của Trung Quốc đã bị kìm hãm bởi nguồn cung lớn, dẫn đến việc các nhà sản xuất tìm kiếm nguồn lợi nhuận lớn hơn tại thị trường quốc tế, nơi nhu cầu kim loại đang tăng cao.
“Xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng nhiều hơn trong tháng 4 vì sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn”, bà Lau nói thêm khi nhắc tới lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty Rusal, một trong những nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới.
“Trong trường hợp nguồn cung nhôm giá rẻ của Nga tràn vào thị trường Trung Quốc, nếu họ không có sự lựa chọn thị trường xuất khẩu nào khác ngoài quốc gia đông dân nhất thế giới thì Trung Quốc sẽ phải xuất khẩu nhôm nội địa”, bà Lau cho biết.
Ảnh: REUTERS/Fayen Wong/File Photo |
Đối với thép, những biện pháp hạn chế bảo vệ môi trường kéo dài tại một số trung tâm sản xuất thép lớn của Trung Quốc đã làm giảm nguồn cung, sau khi nhiều nhà máy bị yêu cầu tiết chế sản xuất để giảm lượng phát thải.
Giới thương lái và chuyên gia phân tích dự báo sẽ có nhiều thành phố hơn bị áp dụng chính sách bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, như một phần trong chiến dịch giảm ô nhiễm không khí của chính quyền Bắc Kinh, điều có thể tiếp tục làm giảm sản lượng thép và thúc đẩy giá thép nội địa tăng cao.
“Giá các sản phẩm thép trong tháng 3 cao hơn nhiều so với năm ngoái, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm động lực xuất khẩu thép”, ông Xu Bo, chuyên gia phân tích tại Haitong Future, cho biết.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Wind, giá thanh cốt thép giao ngay trung bình đạt 3.905 nhân dân tệ/tấn (tương đương 620,2 USD/tấn) so với mức 3.743 nhân dân tệ/tấn đạt được năm 2017.