Xuất khẩu hàng hóa thời lạm phát: Cá khô, quần áo bảo hộ lao động lên ngôi
Những mặt hàng mới nổi tăng trưởng cao
Lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đã tạo ra sự trượt dốc cả về đơn hàng lẫn đơn giá của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, top 10 hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất có tới 8/10 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng âm, trong đó có ngành thủy sản và dệt may.
Tuy nhiên giữa bức tranh kém sắc của xuất khẩu 5 tháng đầu năm, những mặt hàng đặc thù như quần áo đạo Hồi, cá khô, cá hộp... đang tăng trưởng mạnh như một "hiện tượng", mở ra những lối đi mới, dư địa mới cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 5 tháng đầu năm, các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt nam đều giảm hai con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
Trong khi các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh, chả cá đều bị sụt giảm doanh số thì mặt hàng cá khô, cá đóng hộp lại có kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 4, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65% đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này đã thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%. Hiện, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều cá khô của Việt Nam nhất, chiếm 56%.
"Diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam đã cho thấy trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán. Sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô và đóng hộp" VASEP nhận định.
VASEP khuyến cáo doanh nghiệp quan tâm đến phát triển, kích thích nhu cầu các sản phẩm chế biến như cá đã cắt khúc, cá ướp sẵn gia vị, đồ ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…
Còn với ngành dệt may, sản phẩm áo đạo Hồi, đồ bảo hộ lao động, hàng cao cấp cũng nổi lên như những điểm sáng nhỏ trong bức tranh chung của ngành.
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu áo đạo Hồi trong 4 tháng đầu năm đạt 16 triệu USD, tăng tới 78% so với cùng kỳ năm 2022. Dù kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn, sản phẩm này lại có mức tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng dệt may.
Khi đặt cạnh các mặt hàng cao cấp, trung cấp có sụt giảm mạnh về kim ngạch và mức tăng trưởng, mặt hàng áo đạo Hồi nổi lên như một "hiện tượng".
Trao đổi với người viết, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết nhiều năm trước đây, các doanh nghiệp dệt may đã xuất khẩu áo đạo Hồi vào khu vực Trung Đông, châu Phi, tuy nhiên kim ngạch và tỷ trọng đều khiêm tốn.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu áo đạo Hồi tăng trưởng mạnh nhờ các yếu tố ngoại giao, các hiệp định thương mại, bản thân các nhà nhập khẩu cũng chủ động chuyển dịch thị trường sang Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng khai thác sâu hơn các thị trường có nền kinh tế ổn định, ít chịu tác động của lạm phát như Trung Đông.
"Doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã chuẩn bị được nguồn nguyên liệu phù hợp cho các sản phẩm áo đạo Hồi, cùng với đó các lợi thế như kỹ thuật may, chất lượng sản phẩm cao, thời gian giao hàng nhanh và giá cạnh tranh cũng là những yếu tố thu hút các nhà mua hàng đến với Việt Nam. Trong thời gian tới, xuất khẩu áo đạo Hồi sẽ tiếp tục tăng cả về kim ngạch và tỷ trọng", ông Vũ Đức Giang cho biết.
Bên cạnh sản phẩm áo đạo Hồi, các sản phẩm đặc thù khác như bộ quần áo (quần áo bảo hộ lao động), vest, gile, suit cũng có mức tăng trưởng lạc quan.
Ông Vũ Đức Giang cho biết sau COVID-19, các ngành công nghiệp sôi động trở lại và nhu cầu đồ bảo hộ lao động cũng tăng lên, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm đạt 121 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong giai đoạn này, nhân viên công sở ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... ưu tiên sử dụng với các sản phẩm vest, suit nên tăng trưởng các mặt hàng này vẫn tích cực.
Các sản phẩm có mức giảm sâu, chủ yếu nằm ở phân khúc hàng giá rẻ do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với các sản phẩm không thiết yếu, tồn kho từ năm 2022 vẫn còn cao.
Chủ tịch Vitas khẳng định chiến lược của ngành dệt may là đa dạng hóa cả thị trường và sản phẩm,đến nay, 68 sản phẩm của ngành dệt may đã được xuất khẩu sang 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy tình hình kinh tế và thương mại thế giới, cơ cấu thị trường và sản phẩm sẽ có sự thay đổi linh hoạt.
Xuất khẩu thời lạm phát, doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn
Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, dệt may ghi nhận sự teo tóp về kim ngạch xuất khẩu, doanh thu và số lượng công nhân.
5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I ghi nhận giảm 9-89%, lợi nhuận thu hẹp 23-98%, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ. Số lượng công nhân trong ngành cũng sụt giảm 68.700 người, chiếm hơn 25% số người mất việc từ đầu năm đến 26/5.
Khó khăn nhưng không có nghĩa doanh nghiệp sẽ dừng lại. Trong lúc chờ thị trường “rã băng”, các doanh nghiệp dệt may vẫn đang xoay xở đủ mọi cách để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân.
Trao đổi với người viết, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tổng công ty May 10 cho biết tình hình quý II, III được dự báo vẫn khá xấu.
“Ở thời điểm này, chúng tôi không có quyền lựa chọn, tất cả những sản phẩm có thể vận hành trong máy may doanh nghiệp đều nhận, không phân biệt hàng cao cấp hay thấp cấp. Không riêng May 10, các doanh nghiệp dệt may khác cũng vậy. Điều quan trọng lúc này là duy trì sản xuất và giữ chân lao động, chờ thị trường phục hồi”, ông Bạch Thăng Long nói.
Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, doanh nghiệp không những không thể “kén” sản phẩm, mà còn cả thị trường.
Trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU đang căng mình chống chịu với lạm phát, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp phát triển các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
“Tập trung khai thác các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia) và thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei)”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.