|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC: Doanh thu xuất khẩu của Sao Ta có thể chạm đáy trong quý II và hồi phục nửa cuối năm

08:03 | 14/06/2023
Chia sẻ
VDSC cho rằng, quý II là thời điểm doanh thu xuất khẩu tôm của Sao Ta chạm đáy do sức cầu yếu. Song, sự phục hồi sẽ diễn ra vào nửa cuối năm khi nhu cầu thực phẩm cho mùa lễ hội gia tăng.

5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) đạt 68 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu cùng với sự cạnh tranh gay gắt với các nước nuôi tôm khác đã khiến doanh số bán hàng hai tháng gần nhất của công ty sụt giảm nghiêm trọng hơn dự kiến.

Trong một chia sẻ hồi tháng 5, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta cho biết, từ đầu năm đến nay, các ao nuôi tôm bị dịch bệnh tấn công khiến tôm chậm lớn và bị thiệt hại đầu con. Gần đây nhất là giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày, thậm chí có ngày giảm tới ba lần. 

"Giá tôm tiêu thụ giảm, sức mua các thị trường lớn trên thế giới chậm, cộng thêm tôm bị bệnh. Tất cả yếu tố tiêu cực này đang có sự cộng hưởng khiến các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm đều như ngồi trên đống lửa", ông Lực thông tin. 

Ngoài ra, theo ông Lực cũng, tồn kho các thị trường lớn tuy có giảm nhưng không mạnh. Các đầu mối nhập khẩu, phân phối phải bán giá thấp để nhanh chóng quay vòng vốn. Đây là một yếu tố tác động không nhỏ làm giá tiêu thụ giảm. 

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ Sao Ta.

Trước những khó khăn và thách thức trên, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo trong quý II, Sao Ta sẽ ghi nhận 908 tỷ đồng doanh thu giảm 36%, lợi nhuận sau thuế 77 tỷ đồng giảm 32% so với cùng kỳ. Đồng nghĩa với việc, "quý II sẽ đánh dấu mức đáy cho doanh thu xuất khẩu của công ty", VDSC viết trong báo cáo.

Tín hiệu tích cực nửa cuối năm

Theo đơn vị phân tích, hoạt động nuôi tôm của công ty trong nửa đầu năm của Sao Ta tương đối thuận lợi dẫn đến tôm thu hoạch sớm và sản lượng cao. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu giảm đã tác động tích cực đến chi phí đầu vào.

Không những thế, từ tháng 6, Sao Ta cũng bắt đầu thả tôm giống tại vùng nuôi mới, dự kiến thu hoạch vào quý IV. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và nâng cao tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty.

Vì thế, VDSC cho rằng, hiệu quả kinh doanh của Sao Ta sẽ cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm nay. Theo cập nhật mới nhất từ công ty, các đơn hàng xuất khẩu tôm có xu hướng tích cực kể từ tháng 6, qua đó củng cố kỳ vọng doanh số bán hàng.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu  Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu tôm từ các nước nhập khẩu đã tăng trở lại do lượng tôm tồn kho tại các quốc gia này giảm và nhu cầu thực phẩm cho mùa lễ hội tăng. Lễ hội cuối năm cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các đơn đặt hàng mới. 

Do đó, VDSC cho rằng, doanh thu của Sao Ta năm nay có thể giảm 10% xuống 5.126 tỷ đồng do nhu cầu yếu hơn dự kiến dẫn đến doanh thu phục hồi chậm hơn trong quý II. Tuy nhiên, trước sự giảm giá của nguyên vật liệu đầu vào, lợi nhuận sau thuế của công ty có thể tăng 4% so với năm 2022 lên 319 tỷ đồng.

Lâm Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.