|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh số tiêu thụ tháng 5 của Sao Ta thấp nhất trong nhiều tháng liền

15:48 | 02/06/2023
Chia sẻ
Trong tháng 5/2023, sản lượng tôm thành phẩm của Sao Ta là 2.761 tấn, tăng 38% so cùng kỳ năm trước nhưng lượng tiêu thụ chỉ đạt 948 tấn, giảm 61%.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa báo cáo doanh số tháng 5/2023 với 10,9 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với tháng 4 trước đó, kết quả trên giảm 22% và là mức thấp nhất trong nhiều tháng liền.

Theo số liệu thống kê của người viết, doanh số tiêu thụ của Sao Ta thấp nhất kể từ đầu năm 2021. (Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của Sao Ta).

Trong tháng 5, sản lượng tôm thành phẩm của Sao Ta là 2.761 tấn, bằng 138% so cùng kỳ năm trước nhưng lượng tiêu thụ chỉ đạt 948 tấn, giảm 61%.

Sản xuất nông sản thành phẩm 123 tấn, giảm 61% so với tháng 5/2022 và lượng tiêu thụ đạt 115 tấn, bằng 81%.

Trong tháng 5, công ty đã hoàn tất thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ 320 ha và chuẩn bị thả nuôi khu mới có diện tích hơn 200 ha.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sao Ta, từ đầu năm đến nay, các ao nuôi tôm bị dịch bệnh tấn công khiến tôm chậm lớn và bị thiệt hại đầu con. Gần đây nhất là giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày, thậm chí có ngày giảm tới ba lần.

Giá tôm tiêu thụ giảm, sức mua các thị trường lớn trên thế giới chậm, cộng thêm tôm bị bệnh. Tất cả yếu tố tiêu cực này đang có sự cộng hưởng khiến các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm đều như ngồi trên đống lửa", ông Lực cho biết. 

Vị lãnh đạo nói thêm, tồn kho các thị trường lớn tuy có giảm nhưng không mạnh. Các đầu mối nhập khẩu, phân phối phải bán giá thấp để nhanh chóng quay vòng vốn. Đây là một yếu tố tác động không nhỏ làm giá tiêu thụ giảm.

Từ đầu quý II, tôm các nước nuôi ở Nam bán cầu như Ecuador, Indonesia vào vụ sớm, chào hàng sớm như thông lệ, tạo thêm áp lực sức cung khiến gia tăng cường độ giảm giá bán.

Ở phía Việt Nam, tiêu thụ những tháng qua không như kế hoạch khiến hàng tồn kho còn cũng không ít, cũng cần quay vòng vốn nên cũng bị áp lực bán hàng bằng mọi giá.

Giá tôm thế giới giảm kéo dài ngoài dự kiến, khiến các doanh nghiệp đành phải giảm giá mua tôm thương phẩm nhằm hạn chế thiệt hại, nhằm cố gắng duy trì hoạt động để kỳ vọng vượt qua khó khăn.

"Giá tôm thương phẩm giảm giá mạnh liên tục, có thể đã tới mức 30%, có nghĩa là nuôi tôm thu hoạch trung bình là cầm chắc lỗ. Cầm chắc lỗ thì ai dám nuôi, đại lý nào dám đầu tư cho hộ nuôi, khiến người nuôi nhỏ lẻ thêm bế tắc. Vài tháng nữa tôm thương phẩm sẽ không nhiều, các doanh nghiệp chế biến sẽ không đủ nguyên liệu cho chế biến, trả nợ đơn hàng. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ giảm không nhỏ", ông Lực dự báo.

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, thị trường Mỹ (thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam) đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Siam Canadian Limited ông Jim Gulkin chỉ ra rằng hàng tồn kho đang có xu hướng giảm. “Chúng tôi được biết các kho lạnh ở Mỹ không còn đầy nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần đến điểm mà các nhà nhập khẩu, bán lẻ và bán buôn của Mỹ sẽ phải bắt đầu xem xét việc tăng cường nhập hàng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy giá tôm cao hơn và chu kỳ đi xuống của ngành tôm sắp kết thúc, giá tôm đã tạo đáy”.

Phó chủ tịch Sea Lion International, ông Donelson Berger cũng đồng tình rằng giá tôm đã chạm đáy. 

Ông nói: “Giá tôm đã chạm đáy nhưng vẫn chưa thể bật tăng mạnh mà vẫn giao dịch ở mức thấp. Vẫn còn một số người bán nắm giữ hàng tồn kho từ năm 2022 và trong một số trường hợp, họ cảm thấy tuyệt vọng, do đó tiếp tục giảm giá bán. Chúng tôi có nhiều cách để giải quyết trước khi chi phí và giá bán có thể quay lại. Hàng tồn kho từ năm 2022 đang bắt đầu rút dần”.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại Mỹ, các nhà nhập khẩu đất nước này hầu hết trong trạng thái nghe ngóng tình hình và dự kiến, đến tháng 8 năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ mới có thể sôi động trở lại.

Minh Hằng