Xuất nhập khẩu hàng hóa đã qua giai đoạn xấu nhất, tín hiệu phục hồi đang dần hiện rõ
Xuất nhập khẩu đã qua giai đoạn xấu nhất
Từ quý IV/2022 đến nay, kinh tế của Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn và trải qua một chặng đường dài tăm tối.Theo số liệu mới nhất của S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) trong tháng 5 tiếp tục giảm xuống 45,3 so với mức 46,7 điểm trong tháng 4, đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số này đi xuống, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 9/2021.
Ngành sản xuất lâm vào tình cảnh sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, nhất là những tháng đầu năm 2023. Điều này phản ánh thông qua con số luỹ kế kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt 136,1 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Mặc dù cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu 9,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nhưng đây chưa chắc là tín hiệu đáng mừng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biếtkhi xuất siêu như trong bối cảnh hiện nay cần phải đánh giá rất kỹ, liệu rằng có phải do nhu cầu yếu mà doanh nghiệp nhập ít nguyên vật liệu để sản xuất hay không. Đây là điều hết sức đáng lo.
Tuy nhiên, xét riêng trong tháng 5, nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực mà giới chuyên gia đánh giá tình hình sản xuất, xuất khẩu dường như đang "tạo đáy".
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5, ước đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 4.Trong đó, nhiều hàng hóa ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh như rau quả tăng 98%; gạo 53%; cà phê 28,5%; xi măng và clinker 91%; máy ảnh và kinh kiện 19%; phương tiện vận tải nhích lên 13%.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thương mại hàng hóa của Việt Nam đã chững lại trong thời gian dài, từ tháng 11/2022 đến tháng 5/2023, những khó khăn có thể đã chạm đáy.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 5 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương cho rằng chỉ số IIP và nhập khẩu nguyên liệu có xu hướng tăng dần qua các tháng, đây là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, nhập khẩu những mặt hàng nguyên liệu có xu hướng cải thiện rõ rệt như sợi dệt nhích 26%; sản phẩm kim loại 41%; máy ảnh và linh kiện tăng 29%; máy móc, phụ tùng cải thiện 14%...
Ông Nguyễn Thế Minh kỳ vọng 7 tháng cuối năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng trở lại, kể cả cán cân thương mại có nhập siêu cũng là tín hiệu tích cực bởi điều này chứng tỏ doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng.
Còn theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, về cơ bản giai đoạn xấu nhất của thương mại đã qua, doanh nghiệp đang có đơn hàng trở lại, kim ngach xuất nhập khẩu sẽ phục hồi trong những tháng tới.
Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, thương mại có thể phục hồi mạnh vào quý IV
Dù kinh tế thế giới đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng tốc độ còn chậm và không đồng đều ở các quốc gia, do vậy nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ phục hồi dần dần.
Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại.
Ông Lý Vĩnh Hùng, Giám đốc Công ty Chế biến và Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Lyprodan cũng cho rằng nửa đầu năm 2023 có thể là giai đoạn khó khăn của ngành gỗ khi đơn hàng giảm, nhà máy hoạt động dưới công suất, công nhân phải nghỉ luân phiên.
Tuy nhiên nửa cuối năm 2023 sẽ bớt khó khăn hơn và bước sang năm 2024 xuất khẩu gỗ mới cải thiện rõ rệt do doanh nghiệp đã có đơn hàng.
“Đối với hàng ngoại thất, chúng tôi đã bắt đầu nhận đơn cho vụ mới, sản xuất từ tháng 6 để kịp giao từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau. Ngoài ra cũng có nhiều khách hỏi báo giá, mẫu mã, tín hiệu tích cực đã trở lại nhưng không thể mạnh như năm 2022”, ông Lý Vĩnh Hùng chia sẻ.
Tương tự, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch CTCP gỗ An Cường cũng khá lạc quan về tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2023 nhờ ký được hợp đồng lớn với đối tác Mỹ.
“Có một tập đoàn lớn đang mua hàng từ Đức và Italy với giá trị hàng trăm triệu USD, nhưng nay họ đang chuyển dần đơn hàng về An Cường vì chất lượng sản phẩm của chúng tôi tương tự mà giá lại rẻ hơn.
Đơn vị này cam kết sẽ mang về 10 triệu USD doanh thu cho An Cường trong năm nay và sang năm 2024 là khoảng 20 triệu USD. Hiện, An Cường đã ký được hợp đồng trị giá 5 triệu USD với khách hàng này”, ông Lê Đức Nghĩa nói
Dựa trên những dữ liệu của kinh tế thế giới, các chỉ số vĩ mô của kinh tế Việt Nam và tín hiệu của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh nhận định thương mại hàng hóa trong nửa cuối năm 2023 sẽ cải thiện hơn, còn đột phá thì phải chờ đến đầu năm 2024.
“Kinh tế đang hồi phục dần dần chứ không bứt tốc. Đột biến chỉ có thể xảy ra vào quý IV do mức nền quý IV/2022 đã xuống mức thấp, song so với quý III, kim ngạch sẽ tịnh tiến lên một chút, không phải bước nhảy”, đại diện Yuanta nói.
Kết thúc 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa mới hoàn thành được 35% mục tiêu đề ra là 394 tỷ USD trong năm 2023. Ông Nguyễn Thế Minh nhận định nửa cuối năm thương mại hàng hóa tích cực hơn, song việc đạt được kế hoạch sẽ có nhiều khó khăn và kém khả thi vì các đối tác vẫn khá thận trọng trong việc đặt hàng.
Đại diện Yuanta cho rằng 4 yếu tố hỗ trợ cho thương mại hàng hóa cuối năm, bao gồm lạm phát toàn cầu bớt căng thẳng; tỷ giá của Việt Nam khá ổn định; mức độ đầu tư và tốc độ tăng trưởng của FDI khởi sắc; các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lãi suất hạ nhiệt, doanh nghiệp được tiếp máu
Trước những động thái mới nhất của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) và xu hướng kinh tế thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành vào ngày 25/5 vừa qua, đây là đợt cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp từ đầu năm đến nay.
Với mức cắt giảm lần này, trần lãi suất huy động trở về mức trước khi COVID-19. Động thái này của NHNN có thể coi là bàn đạp cho doanh nghiệp phục hồi sau khủng hoảng.
Theo đại diện Yuanta, việc hạ lãi suất có thể giải bài toán chi phí lãi vay nhưng chưa phải là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trở lại. Doanh nghiệp chỉ có nhu cầu đi vay khi có đơn hàng, nhu cầu sản xuất.
“Các ngân hàng hạ lãi suất cho vay chỉ là điều kiện cần, còn kinh tế thế giới hồi phục mới là điều kiện đủ, khi đó các chính sách tiền tệ mới phát huy được khả năng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Thế Minh nói.
Dù không phải động lực chính, song việc giảm lãi suất cũng giúp doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí tài chính, có nguồn vốn để phát triển thị trường và duy trì sản xuất, giữ chân công nhân.
Thực tế, lãi suất giảm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết việc giảm lãi suất cho vay là giải pháp giúp các doanh nghiệp có thể hạ chi phí sản xuất, nâng cao doanh lợi. Tuy nhiên, động lực này chỉ phát huy tác dụng khi doanh đáp ứng các điều kiện vay vốn của ngân hàng, bao gồm chứng minh các có dự án có hiệu quả, tài sản thế chấp, không nợ xấu nợ đọng...
Nếu không có biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bên cạnh việc tiếp tục hạ lãi suất thì khó có thể hỗ trợ doanh nghiệp và đạt mục tiêu tăng trưởng, đây cũng là vấn đề được các Đại biểu Quốc hội bàn đến nhiều trong kỳ họp vừa qua.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 3% dù cơ chế chính sách cho vay vẫn giữ nguyên.
Với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm này rất khó khăn sau đại dịch COVID-19 và không đủ điều kiện vay vốn nên không thể tiếp cận được tín dụng của các ngân hàng thương mại, Thống đốc cho rằng cần có giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn của nhóm này, có thể thông qua chính sách bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.