|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giữa cơn bão đơn hàng giảm, doanh nghiệp xuất khẩu lại có nguy cơ dính bẫy lừa đảo

07:25 | 24/05/2023
Chia sẻ
Trước cú sốc đơn hàng sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU giảm mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường, tìm ra phân khúc riêng, song cũng gặp nhiều rủi ro liên quan đến lừa đảo thương mại.

Đòn giáng của lạm phát đến các thị trường xuất khẩu trọng điểm

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,8 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

(Số liệu: Tổng cục Thống kê, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 108,6 tỷ USD, giảm 12% so với 4 tháng năm 2022; nhập khẩu đạt 102,2 tỷ USD, giảm 15%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD.

 

Trong họp báo Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng con số xuất siêu 4 tháng đầu năm chưa chắc đã phải là điều đáng mừng.

“Khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng là điều đáng mừng, kể cả lúc đó nhập siêu cũng chưa chắc là điều xấu vì điều đó chứng tỏ lượng tiêu thụ hàng hoá tăng lên và chúng ta phải nhập khẩu nhiều hơn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Nhưng ngược lại, khi xuất siêu như hiện nay chúng ta cũng phải đánh giá rất kỹ, liệu rằng có phải do nhu cầu yếu mà doanh nghiệp nhập ít nguyên vật liệu để sản xuất hay không. Đây là điều hết sức đáng lo”, ông Hải nhận định.

Thực tế, xuất khẩu sang các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU đều ghi nhận mức giảm hai con số, còn các thị trường khác cũng giảm nhẹ. Điều này cho thấy dù Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự nhưng cũng không thể tránh khỏi sức tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ) 

Trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU đang căng mình chống chịu với lạm phát, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp phát triển các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).

“Tập trung khai thác các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei)”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Giữa cơn bão đơn hàng giảm, doanh nghiệp có nguy cơ dính bẫy lừa đảo

Trước cú sốc đơn hàng giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường, tìm ra phân khúc riêng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến cho biết: “Đa dạng hóa thị trường là mục tiêu phải đi được, không có con đường nào khác. Tuy nhiên con đường tìm đến thị trường mới cũng chẳng bao giờ bằng phẳng, doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là liên quan đến thanh toán”.

Theo Chủ tịch Vitas, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn tìm cách gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng, thậm chí khách hàng cũng không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C, mà yêu cầu thanh toán bằng chuyển tiền với độ trễ 30-60 ngày, thậm chí 90 ngày, điều này tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp.

“Có một doanh nghiệp dệt may tại miền Trung làm việc với đối tác tại châu Mỹ La-tinh, nhưng đối tác này lại yêu cầu thanh toán chậm lên tới 90 ngày. Điều này khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vừa ít đơn hàng, vừa dễ gặp rủi ro trong thương mại”, ông Vũ Đức Giang nói.

Ngoài việc thanh toán chậm, doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với loạt hàng rào kỹ thuật được các thị trường dựng lên “một cách bất ngờ”, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của nước ta tăng đột biến.

Không chỉ dừng lại ở mức rủi ro, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã dính bẫy lừa đảo, chịu cảnh “tiền mất, tật mang”, có thể kể đến vụ lừa đảo liên quan đến doanh nghiệp điều của Việt Nam.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết 5 container hạt điều xuất khẩu của một doanh nghiệp Việt Nam bị Hải quan Algeria thu giữ và bán đấu giá do xảy ra tranh chấp với đối tác, giá trị lô hàng khoảng 11 tỷ đồng.

Khách hàng là công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022 (danh sách này này không được phía Algeria công bố). 

Hiện, 5 container hạt điều đã bị hải quan cảng Mostaganem (Algeria) bán đấu giá và không thể kéo hàng về, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng. Cho đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt Nam đã sang Algeri để làm việc và “giải cứu” 5 container điều, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria (Bộ Công Thương) cho biết Algeria thường tăng cường nhập khẩu các sản phẩm họ không sản xuất được như tiêu, cà phê thô, cá basa, cơm dừa, quế, hồi, hạt điều, hàng nguyên liệu gỗ, nhựa, giấy... Tuy nhiên, Thương vụ cũng cảnh báo rất nhiều thủ đoạn lừa đảo có thể xảy ra ở thị trường này.

Doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp toàn cầu là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Trong đó, tội phạm lừa đảo từ bên ngoài chiếm khoảng 43%; từ nội bộ 31%; thông đồng giữa trong và ngoài chiếm 26%...

Trước nguy cơ doanh nghiệp Việt dính lừa đảo thương mại, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: “Chưa bao giờ tính an toàn của doanh nghiệp được đặt lên cao như thế này. Do đó, cần nâng cao nội lực, nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa các tranh chấp”.

Liên quan đến việc mở rộng thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến cáo doanh nghiệp nên tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, các hội thảo giao thương trực tiếp, trực tuyến và thông qua hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời đề nghị khách cung cấp bản sao scan giấy phép đăng ký kinh doanh mã số thuế, chứng minh thư hay trang có ảnh trong hộ chiếu người đại diện hợp pháp của công ty.

Về phương thức thanh toán, đối với các đơn hàng lớn, nên dùng phương thức như thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng châu Mỹ, châu Âu uy tín.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức thanh toán khác là nhờ ngân hàng thu hộ, kèm theo yêu cầu khách hàng đặt cọc từ 20% trở lên. Trong trường hợp này, khi hàng đến cảng Algeria thì ngân hàng mới chuyển tiền hàng cho nhà xuất khẩu.

“Không nên tin tưởng tuyệt đối vào công ty trung gian mà bỏ qua khâu tìm hiểu khách hàng. Khi có tranh chấp hay gặp vấn đề về thanh toán, doanh nghiệp cần cần hành động gấp, liên hệ ngay với Thương vụ để được tư vấn, giải quyết, tránh việc hàng để quá lâu tại cảng dẫn đến phát sinh chi phí và Hải quan bán đấu giá”, Thương vụ Algeria khuyến cáo.

Phạm Mơ

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.