\"Xuất khẩu gỗ sang EU sẽ tăng cả thị phần và kim ngạch\"
Cần có chứng chỉ quốc tế để gỗ cao su vào thị trường lớn |
Mới đây, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) kết thúc cơ bản đàm phán và tiến tới ký kết. Theo đó, các lô hàng gỗ Việt Nam sẽ có "giấy thông hành" để xuất khẩu vào EU mà không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất gỗ hợp pháp như trước.
Xoay quanh vấn đề nay, trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU sẽ tăng cả về kim ngạch và thị phần trong tương lai. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cần ít nhất 3 năm để làm quen với hiệp định.
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU sau khi khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết?
Sau khi đàm phán ký kết thành công hiệp định VPA/FLEGT với EU, ngành gỗ Việt Nam sẽ có 3 lợi ích:
Thứ nhất, các nước trên thế giới đều hướng tới bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Họ ngày càng có yêu cầu cao về nguồn gỗ hợp pháp. Đây là sáng kiến của EU; và Việt Nam ký kết thành công hiệp định là đang đi theo đúng lộ trình ngành gỗ thế giới.
Thứ hai là, chúng tôi kỳ vọng nếu ký được hiệp định này, thị trường gỗ sẽ mở rộng ra 28 nước, kim ngạch sẽ lên hàng tỉ USD mỗi năm. Trước đây, xuất khẩu gỗ vào EU chỉ có 5 nước chính là Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha.
Hiện nay, EU có nhu cầu nhập khẩu khoảng 85 tỷ USD - 90 tỷ USD đồ gỗ mỗi năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường này chưa đáng kể, mới chỉ đạt 700 triệu - 800 triệu USD.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của EU vẫn rất lớn, Việt Nam có rất nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị thường này. Khi hiệp định VPA/FLEGT được ký kết, thị phần và kim ngạch của ngành gỗ Việt Nam tại EU sẽ tăng trong tương lai và giá chắc chắn cũng sẽ tăng theo.
Hiện tại, gỗ Việt Nam xuất sang EU gồm hai loại chính là, sản phẩm gỗ nội thất như bàn, ghế, giường, tủ trong nhà bếp, phòng khách; và bàn ghế ngoài trời, sân vườn. Tính đến hết năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ sẽ đạt 7,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang thị trường EU đạt hơn 700 triệu USD.
Thứ ba, EU là một liên minh có nhiều quốc gia với hệ thống quản trị doanh nghiệp rất tiên tiến - điều mà doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi khi hợp tác với họ. Theo tôi, nếu như học được cách quản trị của các nước EU, quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam chắc chắn sẽ tốt hơn, từ đó đem lại chất lượng và doanh thu tốt hơn.
Trong năm tới, các doanh nghiệp sẽ đưa ra cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp để thể hiện ý chí rất cao của doanh nghiệp trong phát triển ngành gỗ.
Xuất khẩu gỗ Việt Nam sang thị trường EU sẽ đạt hơn 700 triệu USD trong năm nay (Nguồn: Tin kinh tế) |
Có ý kiến cho rằng, hầu hết doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay đã đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo cam kết trong VPA/FLEGT khi xuất khẩu sang thị trường EU. Vậy, việc ký kết có phải chỉ để hợp thức hóa giấy tờ hay không?
Từ trước đến nay, Việt Nam xuất khẩu gỗ sang EU đã làm giải trình đầy đủ nên từ năm 2013 đến nay chưa có lô hàng gỗ xuất khẩu nào bị trả lại. Vấn đề giải trình như việc mua gỗ ở đâu, xuất xứ thế nào, cách mua như thế nào, thuế đóng ra sao... doanh nghiệp Việt Nam đều rất quen thuộc.
Tuy nhiên, với Hiệp định VPA/FLEGT, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải làm sao để được cấp giấy phép FLEGT. Trong thời gian đầu, doanh nghiệp có thể vẫn chưa định hình sẽ phải làm như thế nào.
Vì vậy, Hiệp hội vẫn đang hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các quy định giải trình, tìm các đối tác thị trường đảm bảo sử dụng gỗ hợp pháp... Chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cần ít nhất 3 năm để làm quen với hiệp định.
Vậy thưa ông, trong quá trình thực hiện Hiệp định, ngành gỗ có gặp khó khăn gì không?
Trong quá trình thực hiện, ngành sẽ gặp một số khó khăn như, hiệp định còn liên quan tới các hộ trồng rừng, làng nghề, hộ chế biến gỗ vừa và nhỏ.
Những hộ trồng rừng còn rất hạn chế trong việc am hiểu về luật quốc tế trong khi năng suất và năng lực còn yếu kém, thậm chí có nơi không có điều kiện thông tin. Trong khi đó, doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng của họ lại để xuất khẩu. Như vậy, đảm bảo gỗ hợp pháp thì phải huấn luyện đào tạo và giúp đỡ họ. Đó là trở ngại đầu tiên chúng ta phải vượt qua để đảm bảo tính bài bản, chuyên nghiệp trong trồng rừng.
Ngoài ra, hộ chế biến gỗ các làng nghề cũng vướng vào quy định lao động trẻ em. Bên cạnh đó, vấn đề thương lái tự do, tập thể quá nhiều cũng gây khó cho công tác quản lý giấy tờ sổ sách và quá trình vận chuyển gỗ.
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ ban hành quyết định cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Như vậy, xuất khẩu gỗ Việt Nam trong thời gian tới có bị ảnh hưởng gì hay không, thưa ông?
Trong vụ việc điều tra này, doanh nghiệp đều đã giải trình đẩy đủ nên cũng không ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu toàn ngành trong thời gian tới.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10 năm nay tăng khoảng 6% so với tháng trước, lên 609 triệu USD. Tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 5,59 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 5% lên hơn 2,52 tỷ USD và sang Trung Quốc tăng khoảng 9% lên 802 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch gỗ xuất sang Nhật Bản giảm 4,7% xuống 803 triệu USD. |