Cần có chứng chỉ quốc tế để gỗ cao su vào thị trường lớn
"Xuất khẩu gỗ sang EU sẽ tăng cả thị phần và kim ngạch" |
Các sản phẩm gỗ cao su muốn đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước thì cần phải có chứng chỉ quốc tế, đảm bảo các yếu tố môi trường, xã hội, quản lý rừng bền vững. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ hội nhập để sản phẩm gỗ VRG là thương hiệu được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Vừa qua, VRG đã tổ chức Hội nghị tập huấn về chứng chỉ COC và FM theo tiêu chuẩn PEFC.
Sản xuất tại Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An. Ảnh: Vũ Phong |
PEFC là gì ?
PEFC là một tổ chức liên minh toàn cầu, phi lợi nhuận bao gồm 42 quốc gia được công nhận hệ thống chứng chỉ rừng và 22 thành viên quốc tế. Tổ chức này hoạt động bằng cách ủng hộ hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia phát triển thông qua quá trình đánh giá của các bên liên quan, ưu tiên tính phù hợp và điều kiện của địa phương.
PEFC làm việc trong suốt chuỗi cung cấp sản phẩm để thúc đẩy thực hiện tốt trong việc quản lý rừng và đảm bảo rằng các loại gỗ, sản phẩm từ rừng được sản xuất theo tiêu chuẩn sinh thái, xã hội và đạo đức cao nhất. PEFC không chỉ cấp chứng chỉ cho rừng quốc gia mà còn quan tâm cấp chứng chỉ cho các chủ rừng nhỏ, hộ gia đình. PEFC cấp chứng nhận PEFC – FM quản lý rừng dành cho các đơn vị trồng – khai thác rừng và PEFC – COC chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm dành cho các đơn vị chế biến sản phẩm từ rừng.
Trong thời kỳ hội nhập, các sản phẩm gỗ cao su muốn đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như: Mỹ, Úc, Nhật… thì đòi hỏi phải có các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững, chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm. Các sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu, chứng chỉ của các tổ chức quản lý rừng sẽ được khách hàng tin tưởng chọn lựa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Gắn liền với hệ thống quản lý rừng PEFC là hệ thống quản lý chuỗi cung ứng gỗ để đảm bảo gỗ có chứng chỉ lưu thông trong suốt hành trình không bị nhầm lẫn với sản phẩm gỗ không có chứng chỉ khác. Nếu được chứng thực bởi PEFC sẽ được chứng thực trở thành thành viên của PEFC, được PEFC gắn logo cho các sản phẩm, nhận được các hỗ trợ và được thừa nhận bởi các quốc gia thành viên đã được PEFC chứng thực.
Xây dựng bước đi phù hợp với yêu cầu quốc tế
Trên thực tế, trong hai năm gần đây, sản lượng và doanh thu gỗ bắt đầu tăng, đóng góp lớn cho ngành, giúp tăng trưởng của ngành đứng vững. Trong 4 ngành chính của VRG, sản xuất mủ cao su và gỗ có mối quan hệ mật thiết, đóng góp lớn cho doanh thu lợi nhuận của VRG. Năm 2015, doanh thu gỗ gần 5.000 tỷ đồng, đóng góp 30% tổng doanh thu, lợi nhuận 38%.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó TGĐ VRG nhấn mạnh: “Yêu cầu của thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính luôn đòi hỏi các sản phẩm gỗ đều phải có các chứng nhận, chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững, về giá trị chuỗi hành trình sản phẩm. Vì vậy, muốn giữ vững và mở rộng thị trường, muốn không bị lạc hậu thì các đơn vị cần phải có bước chuẩn bị và thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế để được cấp chứng nhận.
Nếu không có các chứng nhận quốc tế thì trong khoảng 2 – 3 năm nữa sản phẩm của VRG sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Thế nên, chúng ta cần phải xây dựng bước đi phù hợp với yêu cầu của quốc tế”.
Ngành sản xuất gỗ của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, mỗi năm doanh thu khoảng 2 – 3 tỉ USD. Trong khi đó, gỗ cao su và các sản phẩm từ gỗ cao su ở Việt Nam có tiềm năng phát triển. Với diện tích khoảng 800.000 – 900.000 ha, dự kiến mỗi năm có 30.000 ha được thanh lý sẽ cung cấp khoảng 4,2 triệu m3 gỗ tròn cho ngành chế biến gỗ.
Xác định giữ vị thế và thích ứng với thời kỳ hội nhập, rừng và sản phẩm từ rừng cần phải có chứng nhận quản lý rừng bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đang xây dựng bộ tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững phù hợp với các tiêu chuẩn của tổ chức PEFC để PEFC công nhận.