|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo ST25 tăng phi mã, được ưa chuộng tại Mỹ

13:30 | 15/02/2024
Chia sẻ
Năm 2023, xuất khẩu gạo ST25 đã mang về hơn 16 triệu USD, tăng 88% so với năm 2022. Như vậy, chỉ trong 4 năm trở lại đây xuất khẩu loại gạo đặc sản này đã tăng gấp 7 lần. Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất với thị phần chiếm gần 47%.

Xuất khẩu gạo ST25 tăng phi mã

2023 là một năm khá thành công đối với ngành gạo Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng này đã mang về 4,67 tỷ USD, tăng 35,3% so với năm 2022 và là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo.

Đáng chú ý, ngoài các giống gạo thông thường thì xuất khẩu gạo đặc sản ST25, loại gạo 2 lần đạt giải ngon nhất thế giới vào năm 2019 và năm 2023 cũng đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 16.900 tấn gạo ST25 trong năm 2023 với kim ngạch thu về 16,3 triệu USD, tăng 95% về lượng và tăng 88% về kim ngạch so với năm 2022.

Như vậy, kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm 2020 đến nay xuất khẩu gạo ST25 đã tăng gấp 7 lần.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Hiện thị trường tiêu thụ gạo ST25 đã được mở rộng lên hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ so với con số 19 của năm 2022.

Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gạo ST25 lớn nhất của Việt Nam năm 2023, với khối lượng đạt 7.221 tấn, kim ngạch hơn 7,6 triệu USD, chiếm 43% thị phần về lượng và 47% về kim ngạch. So với năm 2022, xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường này đã tăng tới 55,5% về lượng và 54% về kim ngạch.

Kim ngạch xuất khẩu gạo ST25 sang hai thị trường lớn tiếp theo là Trung Quốc và Australia tăng mạnh gấp 3,2 lần và 3,6 lần so với năm 2022, đạt lần lượt là 2,4 triệu USD và 2,1 triệu USD. Ngoài ra, gạo ST25 còn được xuất khẩu tới nhiều nước như Đức, Canada, Tanzania, Nga…

Giá gạo ST25 xuất khẩu sang các thị trường khá cao, dao động từ 900 USD/tấn đến hơn 1.000 USD/tấn; trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 575 USD/tấn. Có thể thấy, không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu mà gạo ST25 còn tạo ra một phân khúc riêng của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. 

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan  

Cùng với gạo ST25, xuất khẩu gạo ST24 của Việt Nam cũng tăng tới 46% về lượng và 38% về trị giá trong năm 2023, đạt 89.177 tấn, trị giá 61 triệu USD. Trong đó Trung Quốc chiếm hơn 90% thị phần xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 55 triệu USD.

Mặc dù mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 1,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nhưng gạo ST24, ST25 được xem là lời giải cho bài toán tiếp cận thị trường cao cấp với giá trị gia tăng cao của các doanh nghiệp.  

Mới đây, gạo ST24 và ST25 đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo thơm đặc sản vào thị trường đầy tiềm năng này. 

ST25 giúp Việt Nam mở rộng thị phần gạo tại Mỹ

Với thị trường Mỹ, gạo ST25 của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ từ năm 2020 và nhanh chóng chinh phục được người tiêu dùng ở thị trường tiềm năng này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Mỹ đạt cao nhất 9 năm trở lại đây với 28,5 triệu USD, trong đó chiếm đến 27% là gạo ST25.

Bên cạnh chất lượng đã được khẳng định là loại gạo ngon nhất thế giới, gạo ST25 còn thu hút được người tiêu dùng Mỹ do có thành phần tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người bị béo phì hay tiểu đường. Có thể nói gạo ST25 đang mở ra cơ hội mới cho gạo Việt Nam để chinh phục một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Theo đánh giá của các đơn vị phân phối, Mỹ có tiềm năng trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực của gạo ST25. 

Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 6 vào Mỹ với thị phần chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2023, tăng đáng kể so với mức 1,6% của năm 2022 và 1,2% của năm 2020.   

Mỹ hiện là nước sản xuất gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng đồng thời đây là nước nhập khẩu gạo lớn nhất Tây bán cầu với khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu gạo của nước này đã tăng trong hơn 30 năm qua, từ khoảng 7% thị trường nội địa vào năm 1993-1994 (tháng 8 – tháng 7) lên hơn 25% vào năm 2022-2023.

Hơn 60% lượng gạo nhập khẩu vào Mỹ là các loại gạo thơm từ châu Á, chủ yếu là gạo Jasmine từ Thái Lan và gạo basmati từ Ấn Độ và Pakistan. USDA cho biết, Mỹ có sản xuất gạo thơm nhưng chủng loại không giống với gạo sản xuất ở châu Á. Vì vậy, nhập khẩu gạo thơm dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng. 

Hoàng Hiệp