|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Xuất khẩu của Việt Nam sang EU chưa bền vững'

14:16 | 05/12/2017
Chia sẻ
Sáng ngày 5/12, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Thị trường EU cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới” tóm lược những điểm mới trong mối quan hệ hợp tác với EU, cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
xuat khau cua viet nam sang eu chua ben vung
Ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ. Ảnh: Lyly

Với 28 quốc gia thành viên, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam chiếm gần 75% kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Âu.

EU là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khắt khe với mục đích bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Mặc dù hiện Việt Nam và EU đang trong quá trình rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng tốt các yêu cầu tiếp cận thị trường khi đã đạt được hiệp định FTA thì sẽ rất bất lợi cho Việt Nam.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là những mặt hàng thiết yếu, không có giá trị gia tăng lớn và ở chủ yếu ở dạng gia công. Tuy nhiên đây cũng là yếu tố giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam nhận được sự bảo hộ từ phía các nhà nhập khẩu. Ông cũng nhận định xuất khẩu của Việt Nam sang EU chưa bền vững.

Từ 2000 – 2016, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đã có những phát triển tích cực, kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng gần 11 lần từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên trên 45 tỷ USD năm 2016, đưa EU trở thành một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu sang EU đạt 41,62 tỷ USD, tăng 14,2%, trong đó, xuất khẩu đạ 31,77 tỷ USD tăng 15,4% và nhập khẩu đạt 11,75 tỷ USD, tăng hơn 9,2%.

Những điểm mới trong mối quan hệ với EU

Mới đây, ngày 15/11, Nghị viện châu Âu đã thông qua đa số phiếu tán thành Luật phòng vệ Thương mại mới, với các sửa đổi về phương pháp xác định giá trị bình thường của một sản phẩm và ước tính thiệt hại đối với một ngành sản xuất nội khối do hành vi bán phá giá của nước ngoài.

Phương pháp mới không nêu tên các nền kinh tế phi thị trường cụ thể, theo đó trao cho EU nhiều quyền lực hơn trong việc đánh giá liệu hàng xuất khẩu của một nước thứ 3 có bị bán phá giá hay không dựa trên các báo cáo phân tích chi tiết về bóp méo thị trường theo ngành và theo quốc gia của nước xuất khẩu.

Ngoài một số yếu tố cũ, EU còn đưa vào thêm các chỉ tiêu mới về lao động và môi trường, những yếu tố chưa từng xuất hiện trong Luật phòng vệ Thương mại trước đây.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Một khi Hiệp định EVFTA được ký kết, hàng rào thuế quan sẽ được xóa bỏ, rào cản kỹ thuật trong thương mại sẽ được giải quyết, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường EU với ưu thế đáng kể.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Quân cho biết, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp chỉ coi mình là đơn vị gia công, chỉ sản xuất và để cho doanh nghiệp khác tiêu thụ, nhưng điều đó là chưa đúng vì sản xuất theo chuỗi, phát triển bền vững là xu thế của tương lai và là cách tiếp cận của các nhà nhập khẩu. Khi FTA được ký kết, những mặt hàng xuất khẩu thô dù thuế không thay đổi nhiều, nhưng mặt hàng qua chế biến và chế biến chuyên sâu thì chêch lệch giữa thuế hiện tại và FTA chênh lệch khá nhiều, đặt ra cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư hàm lượng chế biến càng cao thì thu về lợi nhuận càng lớn.

Theo đó, tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chết, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

Thách thức đặt ra khi bước chân vào EU là không nhỏ

Theo ông Quân, đầu tiên phải kể đến thách thức phải có đầy đủ thông tin về thị trường. Việc xác định chính xác nhu cầu của thị trường sẽ giúp doanh nghiệp phân tích và dự báo sản xuất, lựa chọn sản phẩm để cung ứng cho thị trường.

Thứ 2 là hiểu biết về tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu, cũng như yêu cầu về môi trường, luật lao động, sinh thái ngày càng tăng và những yếu tố này không chịu ảnh hưởng từ thị trường mà từ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó là rủi ro lưu trữ hồ sơ không tốt, có thể ảnh hưởng tới toàn bộ doanh nghiệp khác. Về dài hạn, sẽ không thể thiết lập được một doanh nghiệp mạnh.

Thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và chưa đồng bộ. Chưa kể đến hạn chế về trình độ lao động và nguồn nhân lực, môi trường chính sách chưa hoàn thiện.

Một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Theo ông Quyền Anh Ngọc, Phó trưởng phóng WTO, Vụ CSTM đa biên, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam:

- Cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác nước ngoài, không chỉ các lĩnh vực truyền thống

- Thay đổi tư duy kinh doanh

- Chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn

- Chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu

- Nâng cao năng lực cạnh tranh

- Tăng cường nhân lực, nâng cao năng suất lao động

Lyly Cao