|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nấc thang mới trong cuộc chiến thuế quan xe điện EU-Trung Quốc

06:56 | 09/07/2024
Chia sẻ
Cộng đồng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và các hiệp hội công nghiệp đang có những hành động nhằm chống lại thuế quan tạm thời của Liên minh châu Âu (EU) đối với xe điện của nước này.

Tranh cãi quanh thuế quan mà EU áp dụng với xe điện Trung Quốc ngày càng gay gắt . (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo tờ Global Times, nhà sản xuất ô tô SAIC Motor Corp ngày 5/7 cho biết họ đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức một phiên điều trần về thuế quan khi công ty tìm cách thực hiện thêm các quyền của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty cũng như lợi ích của khách hàng trên toàn thế giới.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hai bên nên giải quyết vấn đề thương mại thông qua đàm phán và sẽ thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Các nhà quan sát cho rằng các cuộc tham vấn giữa Trung Quốc và EU về cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với các công ty xe điện Trung Quốc sẽ rất khó khăn. Trung Quốc thúc giục EU thể hiện sự chân thành hơn để hai bên có thể đạt được kết quả cân bằng và đôi bên cùng có lợi trước khi EU đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 11 tới.

Trong một tuyên bố được công bố trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Sina Weibo hôm 5/7, SAIC Motor cho biết EC, cơ quan điều hành của EU, đã điều chỉnh giảm mức thuế bổ sung mà công ty phải đối mặt xuống 37,6% so với mức 38,1% được công bố trước đó sau khi công ty đưa ra các biện pháp phòng vệ.

SAIC Motor cho biết cuộc điều tra chống trợ cấp của EC liên quan đến thông tin nhạy cảm về mặt thương mại vượt quá phạm vi điều tra thông thường và đã có sai sót về trợ cấp mà EC cáo buộc. EC cũng bỏ qua một số thông tin và ý kiến bào chữa mà công ty đã đệ trình trong quá trình điều tra.

Phòng Thương mại xuất nhập khẩu các sản phẩm cơ điện Trung Quốc (CCCME) hôm 5/7 cho rằng cái gọi là trợ cấp trong các doanh nghiệp xe điện của Trung Quốc mà EC ghi nhận là không hợp lý và vi phạm nghiêm trọng các quy tắc chống trợ cấp liên quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và EU, đồng thời kêu gọi EC sớm sửa chữa sai lầm.

CCCME, đại diện cho ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, cho biết thêm họ sẽ tiếp tục giải quyết cuộc điều tra chống trợ cấp của EC và sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau.

EC đã xác nhận mức thuế nhập khẩu tạm thời đối với một số nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc bắt đầu từ 4/7, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ các quan chức chính phủ và các công ty lớn trong ngành của EU.

Ông Liang Ming, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế tại Viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng "trong bốn tháng tới, vẫn còn rất nhiều cơ hội để tham vấn và đàm phán giữa Trung Quốc và EU để tìm ra giải pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận".

Theo chuyên gia này, trong năm nay, EU đã công bố một số biện pháp hạn chế thương mại chống lại Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu từ EU cho thấy thái độ tích cực của nước này trong các trao đổi với EU.

Nhà nghiên cứu cao cấp He Weiwen tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa cho rằng các động thái bảo hộ của EU sẽ không chỉ khiến người tiêu dùng châu Âu phải trả giá cao hơn cho xe điện, mà còn làm tổn hại đến lợi ích của một số công ty châu Âu vì một phần lớn xe điện Trung Quốc xuất khẩu sang EU liên quan đến các sản phẩm được các công ty châu Âu sản xuất tại Trung Quốc.

Chuyên gia này nhận định nếu Trung Quốc và EU có thể đàm phán để giải quyết tranh chấp thương mại sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên và kêu gọi EU thể hiện sự chân thành hơn trong các cuộc tham vấn với Trung Quốc.

Ông cho biết Trung Quốc và EU đã hình thành chuỗi công nghiệp ô tô năng lượng mới phụ thuộc lẫn nhau cao độ. Ví dụ, CATL, nhà sản xuất pin hàng đầu của Trung Quốc, đã đầu tư vào EU, trong khi một số lượng lớn các nhà sản xuất ô tô Đức cũng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

Theo ông, thông qua cùng phát triển chuỗi ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng ô tô năng lượng mới toàn diện, quy mô lớn, Trung Quốc và EU sẽ thúc đẩy phát triển carbon thấp, xanh, mang lại sự phồn thịnh bền vững cho ngành công nghiệp ô tô hai bên, góp phần nâng cấp ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Một số nhà lãnh đạo và doanh nghiệp châu Âu đã lên tiếng phản đối động thái của EU, nói rằng nó sẽ gây tổn hại cho ngành công nghiệp ô tô và người tiêu dùng châu Âu, đồng thời làm suy yếu nỗ lực đạt được trung hòa carbon.

Trong một thông báo gửi tới Global Times, Chủ tịch Tập đoàn BMW Oliver Zipse cho biết cách tiếp cận của EU là không thực tế và có thể gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang kinh doanh toàn cầu.

Mercedes-Benz nói rằng tập đoàn luôn "ủng hộ các quy định thương mại tự do dựa trên các quy tắc của WTO. Điều này bao gồm nguyên tắc rằng tất cả các bên tham gia tìm thấy các điều kiện giống nhau. Thương mại tự do và cạnh tranh công bằng đảm bảo sự thịnh vượng, tăng trưởng và đổi mới".

Mercedes-Benz cảnh báo về những hậu quả kinh tế tiêu cực đối với tất cả các bên liên quan nếu xu hướng bảo hộ lớn được duy trì.

Chuyên gia Liang cho rằng Trung Quốc cần kiên định bảo vệ quyền lợi thương mại bình thường và sẽ không cho phép các nước khác tùy ý dán nhãn cái gọi là "dư thừa công suất" và "lợi thế trợ cấp" cho Trung Quốc. Theo chuyên gia Liang, "nếu Mỹ và EU tiếp tục chèn ép các công ty Trung Quốc một cách vô lý, Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp đáp trả theo quy định của WTO".

Hải Yến (P/V TTXVN Tại Bắc Kinh)