Hãng xe điện Trung Quốc đầu tiên ngấm đòn thuế quan
Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, đã công bố kế hoạch áp thuế sau khi kết luận rằng các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc được hưởng trợ cấp "không công bằng" từ chính phủ. Hôm 4/7, các nhà quản lý châu Âu xác nhận mức thuế mới, dao động từ 17,4% đến 37,6%, sẽ có hiệu lực từ 5/7.
Động thái này sẽ ảnh hưởng đến nhiều hãng xe, từ gã khổng lồ BYD của Trung Quốc đến các thương hiệu châu Âu sản xuất xe tại Trung Quốc, và thậm chí cả Tesla của Mỹ - vốn có nhà máy tại Thượng Hải.
Quyết định của EU được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tích cực mở rộng sang thị trường châu Âu với các mẫu xe có giá cạnh tranh, đe dọa vị thế của các hãng xe hàng đầu trong khu vực. Nhiều hãng trong số đó đang tụt hậu trong lĩnh vực xe điện.
Trước động thái kể trên, các nhà sản xuất ô tô đã phản đối việc tăng thuế. Hôm 4/7, hãng xe điện Nio của Trung Quốc cho biết hiện đang duy trì mức giá xe bán tại châu Âu, nhưng không loại trừ khả năng sẽ điều chỉnh giá trong tương lai do tác động của thuế mới.
Một phát ngôn viên của hãng xe điện Trung Quốc - Xpeng lại trấn an rằng khách hàng đang chờ giao xe hoặc đặt hàng mới trước khi thuế có hiệu lực sẽ được "bảo vệ khỏi mọi đợt tăng giá". Tuy nhiên, hãng không bình luận về việc liệu sẽ tăng giá do tác động của thuế mới hay không. Geely từ chối bình luận.
Khi EU lần đầu công bố kế hoạch tăng thuế vào tháng trước, Tesla cho biết có thể sẽ tăng giá xe Model 3 tại châu Âu. EU chưa công bố mức thuế cụ thể đối với Tesla, nhưng lưu ý rằng hãng xe Mỹ "có thể nhận được mức thuế được tính toán riêng". Mức thuế có hiệu lực từ ngày 5/7 là tạm thời và kéo dài trong 4 tháng.
Trong thời gian này, các nước thành viên EU phải bỏ phiếu về "thuế chính thức", được cho là sẽ kéo dài 5 năm. Các quan chức Trung Quốc và EU đã tổ chức nhiều vòng đàm phán về vấn đề thuế. Bắc Kinh chỉ trích việc EU áp thuế là "hành động bảo hộ" hồi tháng 6.
Hôm 4/7, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, He Yadong bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được giải pháp chấp nhận cho cả hai trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở tuân thủ quy định và thực tế.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tái khẳng định cam kết với thị trường châu Âu, nơi họ đã mở rộng hoạt động trong những năm gần đây. Xpeng cho biết hãng "cam kết cung cấp sản phẩm đổi mới chất lượng cao cho khách hàng châu Âu ngày càng đông đảo và có những cam kết dài hạn với các thị trường này". Công ty cũng cho biết đang "tích cực đánh giá khả năng thiết lập năng lực sản xuất tại địa phương ở châu Âu". Hiện tại, Xpeng sản xuất toàn bộ xe tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, một nhà máy ở châu Âu có thể giúp giảm bớt tác động của thuế. Năm ngoái, một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc và toàn cầu là BYD đã thông báo về kế hoạch mở nhà máy đầu tiên tại châu Âu ở Hungary, nhưng chưa công bố thời gian cụ thể.
Trong khi đó, hôm 4/7, Nio cho biết rằng hãng hoàn toàn cam kết với thị trường châu Âu. "Chúng tôi tin tưởng vào việc thúc đẩy cạnh tranh và lợi ích người tiêu dùng, và hy vọng sẽ đạt được giải pháp với EU trước khi các biện pháp chính thức được thực thi vào tháng 11/2024", đại diện Nio cho biết.