|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Chưa bao giờ giá nhà ở xã hội rẻ như thế này’

16:19 | 17/11/2024
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân, giá nhà ở xã hội rẻ hay mắc là so với nhà ở thương mại ở cùng vị trí, cùng tầng cao, cùng chất lượng… Lãi suất hiện tại cao hơn so với 10 năm trước nhưng nếu so với lạm phát, giá nhà ở thương mại thì chưa bao giờ giá nhà ở xã hội trên thực tế rẻ như thế này.

Nhiều địa phương đang trong quá trình bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa: Hải Quân).

Tại talkshow “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực” sáng ngày 17/11, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (Mã: HQC), cho biết trong quá trình tham gia phát triển nhà ở xã hội (NOXH) gần 20 năm qua, Hoàng Quân nhận thấy có ba yếu tố quan trọng nhất để khách hàng có thể mua được NOXH: Cơ chế chính sách, nguồn vốn và nỗ lực từ phía khách hàng.

Ông cho rằng "chưa bao giờ chính sách dành cho NOXH tốt như hiện nay. Lãi suất bây giờ 6,6%/năm cao hơn 4,8% so với 10 năm trước và đang là lãi suất thương mại nhưng nhìn chung nếu so với mức độ lạm phát, so với các dự án thương mại… thì có thể nói chưa bao giờ giá NOXH trên thực tế rẻ như thế này, chưa đến 50% giá nhà ở thương mại. Giá NOXH rẻ hay mắc là so với nhà ở thương mại ở cùng vị trí, cùng tầng cao, cùng chất lượng… 

Người dân phải dành 5 - 7 triệu đồng/tháng nếu muốn mua một căn nhà 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng. Những việc còn lại sẽ được ngân hàng, bao gồm ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ. Nếu người dân làm được điều này thì từ giấc mơ đến hiện thực mua được NOXH trong tầm tay".

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, quỹ đất là một trong hai nhóm vấn đề cực kỳ quan trọng để hiện thực hóa đề án 1 triệu căn NOXH. Nếu mọi yếu tố còn lại đều tốt nhưng không có quỹ đất thì không có cơ sở nào để triển khai. Bên cạnh đó, vấn đề về lãi suất vẫn còn lấn cấn, đặc biệt là đối với khách hàng mua nhà khi họ chi trả lãi vay bằng chính đồng lương ít ỏi.

Ông chia sẻ trong quá trình tiếp xúc vẫn còn nhiều rào sản để doanh nghiệp thực hiện, nhất là những quy định hướng dẫn thi hành nên thực trạng tại một số địa phương cho đến lúc này vẫn còn lúng túng.

"Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần có những quy định mạnh hơn cho các địa phương về trách nhiệm, có lẽ phải là nhiệm vụ bắt buộc, là một trong những chỉ tiêu phải hoàn thành.

Cả thị trường bất động sản hiện nay đang sốt bừng bừng, giá chung cư Hà Nội đã lên đến vài trăm triệu mỗi m2, giá chung cư TP HCM đã vài trăm triệu mỗi m2 lâu rồi. Trong khi đó, NOXH vẫn đang dao động trên dưới 20 triệu đồng/m2 thì rõ ràng đây là một sản phẩm nhà ở rất tốt cho người có thu nhập thấp", ông Đính nêu quan điểm.

Tương tự, ông Phan Đức Hiếu,Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết từ những chuyến đi thực tế tại các địa phương cho thấy việc bố trí quỹ đất phù hợp sẽ quyết định tính hiệu quả của chương trình NOXH.

Ông dẫn chứng vừa rồi Hải Phòng đã đưa ra quyết định rất cân não, nếu như bố trí quỹ đất này cho nhà ở thương mại thì địa phương có thể thu một lúc vài nghìn tỷ đồng. Thế nhưng Hải Phòng đã làm ngược lại, dùng quỹ đất đó để bố trí xây dựng NOXH. Trong khi đó, ông cho rằng vẫn còn nhiều địa phương bố trí quỹ đất chưa phù hợp, nơi thừa nơi thiếu, có rất nhiều NOXH đã xây nhưng không biết có bán được hay không.

Ông Hiếu cũng đưa ra ba lưu ý về loại hình NOXH. Đầu tiên đây là một sản phẩm mà Chính phủ mong muốn phát triển chỉ dành riêng cho một nhóm đối tượng chứ không phải bán cho mọi đối tượng, cụ thể là nhắm đến những người có thu nhập thấp mà với thu nhập đó thì họ khó tiếp cận nhà ở thương mại hoặc có chỗ ở như những người dân khác.

Thứ hai, để phát triển loại hình này, Nhà nước tạo ra một số cơ chế, chính sách thuận lợi, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của doanh nghiệp.Các doanh nghiệp lựa chọn tham gia vào phân khúc NOXH thì lợi nhuận không phải là mục tiêu cao nhất mà có lẽ đây là sự san sẻ với Chính phủ.

Cuối cùng, ba luật mới đã hạ thấp điều kiện để người mua tiếp cận NOXH,mở rộng đối tượng đối với những người có thu nhập hạn chế.

 

Ngọc Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.