Xuất khẩu cá tra nhìn về dài hạn
Nhìn lại chu kỳ thăng trầm của con cá tra
Không có thị trường nào là chắc chắn, ổn định mãi. Nhân tố quyết định là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,79 tỉ đô la Mỹ, tăng nhẹ (4,3%) so với năm 2016; sáu tháng đầu năm 2018 đạt 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo năm 2018 xuất khẩu cá tra vượt mức 1,8 tỉ đô la Mỹ, đỉnh cao nhất xác lập vào năm 2011.
Sản lượng cá thu hoạch trong bảy tháng đầu năm nay ước tính đạt 800.000 tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tiếp tục đà tăng này, sản lượng thu hoạch năm 2018 có thể lên tới 1,3 triệu tấn, vượt qua mức 1,28 triệu tấn của năm 2012.
Xuất khẩu thuận lợi, giá cá tăng cao trong năm 2017 kéo dài đến sáu tháng đầu năm 2018, vượt qua cột mốc 25.000 rồi trên 30.000 đồng/ki lô gam. Tính từ tháng 9-2016, thời điểm giá cá phục hồi cho đến hết tháng 6-2018 thì đây là chu kỳ tăng giá dài nhất từ trước đến nay (hơn 20 tháng). Điều này đã giúp phục hồi sức sống của toàn bộ ngành cá tra, từ người nuôi, nhà chế biến xuất khẩu đến các nhà cung cấp thức ăn, dịch vụ sau thời gian trì trệ.
Giá cá tra ở mức rất thấp trong năm 2009, 2010 - là khoảng thời gian có sản lượng dư thừa, nhưng xuất khẩu suy yếu. Từ cuối năm 2010, giá cá bắt đầu cải thiện và duy trì được mức khá cao trong năm 2011. Xuất khẩu của năm này (2011) tăng 26%, đạt kim ngạch 1,8 tỉ đô la Mỹ. Các nhân tố này đã thúc đẩy việc nuôi cá rầm rộ trở lại. Năm 2012 sản lượng cá đã đạt gần đến 1,3 triệu tấn, nhưng xuất khẩu suy giảm, giá cả bị chìm sâu, kéo dài trong hai năm.
Liên tiếp ba năm, từ 2012-2014, kim ngạch xuất khẩu cá tra đứng yên quanh con số 1,75 tỉ đô la Mỹ, sản lượng cá giảm dần còn dưới 1,1 triệu tấn. Năm 2015, sản lượng cá chỉ còn 1,027 triệu tấn, xuất khẩu cũng sụt giảm chỉ còn 1,56 tỉ đô la Mỹ, giá cá xuống dưới mức 19.000 đồng/ki lô gam. Từ điểm đáy này, năm 2016 ngành cá tra bắt đầu phục hồi.
Phục hồi nhờ thị trường Trung Quốc
Sự phục hồi của ngành cá tra lần này không đến từ thị trường Mỹ hay EU mà từ Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) trong năm 2017 đạt 410 triệu đô la Mỹ, tăng 35% so với năm 2016. Sáu tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này tăng trên 45% và chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Mỹ đứng thứ hai với tỷ lệ tăng 19,6%, khối EU đứng thứ 3 với tỷ lệ tăng 11,7% và khu vực ASEAN
đứng thứ 4 với tỷ lệ tăng 9,3%.
Từ năm 2010 trở về trước, EU là thị trường chính của cá tra. Từ sau năm 2010, Mỹ thay thế vị trí của EU. Sự thay đổi này không lớn khi gộp cả hai thị trường này thì vẫn chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu cá tra cho đến năm 2015. Thống kê cho thấy: năm 2010, thị trường các nước EU chiếm 35,7% kim ngạch xuất khẩu cá tra, Mỹ chiếm 12,4% và Trung Quốc chiếm 3%. Đến năm 2015, thị trường EU giảm còn 18,2%, Mỹ tăng lên 20,2% và Trung Quốc là 10,3%.
Năm 2017 bức tranh thị trường thay đổi, và lần này, Trung Quốc vượt lên chiếm tỷ lệ đến 23%, Mỹ giảm chút ít còn 19,3%, nhưng với EU thì sụt giảm rất mạnh - chỉ còn 11,4%. Gộp cả thị trường EU và Mỹ, chỉ còn 30%.
Bất kỳ sự thay đổi nào về cấu trúc thị trường đều có thể gây ra những khó khăn, bất lợi và cả những yếu tố thuận lợi mới cho ngành. Với sự dịch chuyển từ thị trường EU sang Mỹ trong các năm 2010-2012, ngành cá tra trải qua biến động hết sức lớn. Sự hào hứng với thị trường mới (Mỹ) đã thúc đẩy việc gia tăng sản lượng nhưng những vụ kiện chống bán phá giá đã tác động mạnh đến giá cá trong nước và điều chỉnh giảm sản lượng trong các năm tiếp theo.
Lần thay đổi này với thị trường Trung Quốc cũng có vài điểm tương tự như lần trước. Xuất khẩu tăng, giá cá tăng, sản lượng cũng tăng vọt. Vậy sắp tới, điều gì sẽ xảy ra với ngành cá tra?
Ẩn số biến động cũng mang tên Trung Quốc
Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu thủy sản từ 10% xuống 7% là tín hiệu tốt nhưng chưa đủ mạnh cho xuất khẩu cá tra bởi sau đó thì đồng nhân dân tệ giảm giá. Việc giảm thuế nói trên cũng chưa đủ sức tác động đến cơ chế nhập khẩu của Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, nếu biên độ tỷ giá giảm thêm nữa thì cơ cấu mua bán đó có thể thay đổi.
Việp áp thuế của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc có tác động như thế nào đến nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam? Cần phải thận trọng xem xét các động thái dù nhỏ. Đồng nhân dân tệ giảm giá chắc chắn là có tác động đến việc mua hàng. Và động thái thay đổi chính sách nhập khẩu qua đường tiểu ngạch của Trung Quốc cũng có thể được tính đến.
Sản lượng cá trong bảy tháng đầu năm đã tăng 36% so cùng kỳ năm 2017, đà gia tăng sản lượng sẽ còn tiếp tục trong năm 2019. Việc gia tăng mạnh như vậy nếu không được kiểm soát một cách hiệu quả thì ngành cá tra lại rơi vào khó khăn. Cung vượt cầu quá lớn thì thị trường không thể tiêu thụ kịp. Lượng dư thừa lớn so với năng lực chế biến cũng sẽ đẩy tình trạng cá đầy ao và rớt giá như đã từng xảy ra.
Tiềm năng của thị trường Trung Quốc với con cá tra là cực kỳ lớn. Dĩ nhiên nguy cơ cũng theo đó mà gia tăng. Sự tăng lên hay giảm xuống của thị trường này sẽ làm ngành cá tra phất lên hay suy yếu ngay sau đó. Việt Nam đã chuẩn bị chính sách để ứng phó với các kịch bản này chưa? Nếu ở cấp chính sách mà chưa có hoạch định gì thì các doanh nghiệp sẽ ở trạng thái căng thẳng, không yên. Buôn bán thì vẫn phải buôn bán vì không thể dừng, nhưng mà cặp mắt thì cứ ngó nghiêng, trông ngóng tứ phía.
Một số đề xuất chính sách
Theo tôi, để ngành cá tra phát triển bền vững, cần có chính sách kiềm chế không để bùng nổ sản lượng như đã từng xảy ra trong thời kỳ hưng phấn cao độ 2006-2008. Đảm bảo chất lượng thay vì chạy theo số lượng là bài học của mỗi doanh nghiệp, nó cũng là bài học chung của ngành. Sự phục hồi thị trường lần này dù đến từ Trung Quốc hay bất cứ từ quốc gia nào thì chính chất lượng của con cá tra ở vùng nuôi đã thuyết phục được người tiêu dùng.
Cần chủ động trong dài hạn về con giống, đầu tư căn cơ, có hệ thống, dành khoản ngân sách thích đáng cho nghiên cứu giống và hỗ trợ các công ty về con giống để có được đàn giống tốt, đề phòng việc thiếu hụt, thậm chí tắc nghẽn cá bố mẹ từ thiên nhiên.
Cải thiện công nghệ nuôi, công nghệ chế biến, giảm thiểu các chất thải. Khuyến khích mô hình nuôi với mật độ năng suất vừa phải, có khả năng tự xử lý, thay cho việc xả nước, thay nước, nạo vét bùn thải vẫn chưa biết đổ đi đâu.
Xây dựng hình ảnh tích cực về con cá tra thông qua việc tổ chức các lễ hội ẩm thực, giới thiệu và chuẩn hóa quy trình nuôi cá trên các mạng xúc tiến thương mại quốc gia về sản phẩm Việt Nam. Trong việc xây dựng hình ảnh, biểu tượng và lễ hội tôn vinh con cá tra thì thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là địa điểm thực hiện lý tưởng.
Công bố việc kiểm tra và giám sát sự tuân thủ các tiêu chí về môi trường với ngành nuôi cá tra. Đây là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa việc bùng nổ sản lượng, cũng là cách tốt nhất để thực hiện định hướng tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng.
Cần có chính sách cụ thể với những thị trường tiềm năng mà ngành nông nghiệp đang tiến sâu vào nhưng cũng đang đối mặt với các thách thức lớn.
Không có thị trường nào là chắc chắn, ổn định mãi. Nhân tố quyết định là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với ngành nông nghiệp nói chung, cá tra nói riêng, thì đó không chỉ là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mà còn là của chuỗi liên kết với người nông dân. Khả năng nuôi trồng, khả năng thích ứng của người nông dân là yếu tố hàng đầu của câu chuyện phát triển bền vững ngành cá tra.