Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt hơn 2 tỷ USD
Xuất khẩu cá tra sang EU có dấu hiệu 'ấm dần' | |
Cá tra Việt Nam bị truyền thông Rumani bôi nhọ |
Xuất khẩu cá tra có thể đạt hơn con số 2 tỷ USD
Tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhận định, xuất khẩu cá tra có thể đạt hơn con số 2 tỷ USD bởi chưa có quốc gia nào có lợi thế như Việt Nam để phát triển ngành hàng này.
Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp. Ảnh: Bộ NN&PTNT |
Xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm 2018 tăng 19%, đạt gần 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, những tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 289,8 triệu, chiếm 24,2% thị phần và tăng 40,6% so với cùng kỳ. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 20 năm qua, cá tra là loại thủy sản độc quyền của Việt Nam trong cả nuôi lẫn chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm này đang ngày càng được thị trường ưa chuộng, nhất là với những thị trường như Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông, ASEAN...
Xuất khẩu cá tra ngày một khó
Theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, 7 tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố 9 doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục từ 3,87-7,74 USD/kg đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã rút ngắn thời hạn đánh giá tương đương, tổ chức thanh tra thực địa.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra vào thị trường EU tiếp tục giảm sút. Đặc biệt, thị trường Arab Saudi tiếp tục tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc vẫn đang là khách hàng tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam nhiều nhất nhưng đang có khả năng trở thành nhà cung cấp cá tra rất tiềm năng cho thế giới. Đây cũng là một rào cản lớn cho ngành cá tra về sau.
VASEP nhận định, cá tra là loại thủy sản khá dễ nuôi nên thời gian gần đây một số nước đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển loại thủy sản này, tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam.
Đề án giống cá tra 3 cấp - Giải pháp cạnh tranh cho cá tra Việt Nam
Thảo luận tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng chất lượng con giống là vấn đề cốt yếu. Doanh nghiệp đề xuất tạo con giống trái mùa với công nghệ cao, hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp đề xuất Bộ hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá mạnh hơn nữa hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Liên quan đến Đề án giống cá tra 3 cấp, phần lớn ý kiến đều đồng tình bởi đây sẽ là bước tiến mới cho ngành cá tra. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Một trong những giải pháp then chốt để ngành cá tra phát triển bền vững là các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm; ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đặc biệt là đa dạng thị trường xuất khẩu”.
Ngay trong hội nghị, các đơn vị đầu ngành và người nuôi đã ký kết ghi nhớ hợp tác sản xuất cá tra giống 3 cấp nhằm xây dựng cho được chuỗi sản xuất bền vững của ngành cá tra.
Trong đó, ký kết cấp 1 với cấp 2, gồm có Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Công ty cá tra Việt Úc với Trung tâm giống thủy sản An Giang, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi thủy sản Cần Thơ, Công ty cổ phần Mừng Liên.
Ký kết hợp tác giữa cấp 2 với cấp 3, gồm có Trung tâm giống thủy sản An Giang với chi hội cá giống của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), Công ty Lộc Kim Chi, Công ty cổ phần Mừng Liên với 3 cơ sở nuôi.