Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ, EU sôi động trở lại
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong tháng 5 đạt 66 triệu USD, tăng 48% so với tháng 5/2020. Luỹ kế 5 tháng, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 292 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
VASEP cho biết thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 5 rộng mở hơn với 88 thị trường trên thế giới.
Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ, đăc biệt là ở Mỹ và EU. Hai thị trường lớn chi phối xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng tốt, ổn định.
Tại Mỹ, việc tiêm chủng mở rộng và gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ đang là động lực để nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản, trong đó có cá ngừ, phục hồi không chỉ ở phân khúc dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, mà cả ở phân khúc bán lẻ.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng trưởng liên tục trong 3 tháng trở lại đây. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt hơn 124 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Hiện Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh, giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp. Bởi, lượng cá ngừ đóng hộp tồn kho của Mỹ còn nhiều và chi phí vận chuyển cao đang ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này.
Tại EU, hiệu ứng từ Hiệp định EVFTA tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước thuộc khối thị trường này.
Riêng trong tháng 5, xuất khẩu cá ngừ sang EU tăng gần 75% so với cùng kỳ. Một số thị trường trong khối EU đang có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tốt như Italia tăng 121%, Đức tăng 18%, Ba Lan tăng 444%, Rumani tăng 110%, Pháp tăng 74%...
Theo VASEP, xuất khẩu 4 nhóm mặt hàng cá ngừ đều tăng trong tháng 5. Trong đó, cá ngừ đông lạnh tăng mạnh nhất 44%, thịt/philê cá ngừ tăng 28%, cá ngừ đóng hộp tăng gần 2,5% và các sản phẩm cá ngừ chế biến khác.
Do tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp hay đóng túi trong 3 quý đầu năm 2020 tại các thị trường tăng nhanh.
Từ quý IV/2020 đến nay, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp giảm do lượng cá ngừ đóng hộp tồn kho còn nhiều, nhu cầu nhập khẩu giảm. Do đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam cũng đang chậm lại.
VASEP nhận định việc tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19 được tiến hành rộng rãi ở các nước và các điểm dịch vụ ăn uống, nhà hàng cũng bắt đầu mở cửa trở lại.
Do đó, nhu cầu đối với mặt hàng cá ngừ nguyên liệu chế biến đóng hộp, cá ngừ đông lạnh tại các thị trường có xu hướng tăng nhanh.