|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xử lý nợ xấu, chắc chắn lãi suất sẽ giảm

08:14 | 13/06/2017
Chia sẻ
Vào cuối phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng (TCTD) chiều ngày 12 6, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã giải trình làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
xu ly no xau chac chan lai suat se giam
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng giải trình làm rõ thêm một số nội dung về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về XLNX là do việc XLNX và xử lý tài sản bảo đảm thời gian qua không đạt kết quả như mong muốn. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn vướng mắc, bất cập về pháp lý; nhiều vấn đề pháp luật chưa quy định; có vấn đề pháp luật đã có nhưng chưa phù hợp thực tiễn và không khả thi.

Bởi vậy, trên cơ sở rà soát tổng kết các khó khăn vướng mắc, bất cập, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết các vướng mắc, bất cập hiện hành về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.

“Cơ quan soạn thảo cũng thấy Nghị quyết không tạo bất cứ lạm quyền hay ưu ái cho TCTD. Ngân hàng Thế giới cũng đã nhiều lần kiến nghị hệ thống pháp luật của Việt Nam nên tăng quyền hơn nữa cho bên cho vay. Bởi vậy bên cạnh quy định quyền hợp pháp chính đáng người đi vay, thì quyền hợp pháp chính đáng của bên cho vay cũng cần phải được pháp luật ghi nhận và bảo vệ”, Thống đốc nhấn mạnh.

Liên quan đến mục tiêu của Nghị quyết về XLNX, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc XLNX sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các TCTD qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của DN và của nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, do nợ xấu luôn tiềm ẩn phát sinh hàng ngày, song hành với hoạt động của các TCTD. Mặc dù các TCTD đã áp dụng đồng bộ các biện pháp hạn chế nợ xấu, song tính trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm là khoảng 1,3-1,5% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, chủ yếu do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong khi với mục tiêu tăng trưởng dư nợ với nền kinh tế bình quân khoảng 16%/năm thì dự kiến nợ xấu phát sinh trong 5 năm tới (từ năm 2017 đến năm 2022) là khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Nếu duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, tổng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới khoảng 640 nghìn tỷ đồng, tức mỗi năm bình quân phải xử lý gần 130 nghìn tỷ đồng.

“Như vậy nếu chỉ giới hạn xử lý nợ xấu ghi nhận đến 31/12/2016 thì số nợ xấu mới phát sinh khi Nghị quyết có hiệu lực sẽ tiếp tục vướng mắc trong cơ chế”, Thống đốc chia sẻ.

Liên quan tới câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội là Nghị quyết về XLNX sẽ có tác động thế nào tới lãi suất, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Với việc xử lý được xợ xấu theo cơ chế cho phép của Nghị quyết này thì chi phí tài chính giảm, chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế cũng giảm; hệ số tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD được gia tăng, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, Cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện bản dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

xu ly no xau chac chan lai suat se giam Xử lý tài sản bảo đảm trong Nghị quyết xử lý nợ xấu

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu ...

xu ly no xau chac chan lai suat se giam UBTVQH: Sẽ giữ nguyên tên và thời hạn áp dụng của Nghị quyết xử lý nợ xấu

Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã đưa ra giải trình chi tiết về một số ý kiến còn gây nhiều tranh cãi trong dự ...

xu ly no xau chac chan lai suat se giam Xử lý nợ xấu không dùng ngân sách khó khả thi

Nợ xấu có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước nên cần có trách nhiệm của nhà nước trong xử lý nợ xấu dựa trên ...

Đức Nghiêm