|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xử lý tài sản bảo đảm trong Nghị quyết xử lý nợ xấu

17:02 | 12/06/2017
Chia sẻ
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu với nội dung liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm như quyền bán theo giá thị trường, thu giữ tài sản đồng sở hữu, chuyển nhượng dự án không đủ điều kiện...
quy dinh ro viec xu ly tai san bao dam trong nghi quyet xu ly no xau
Quy định rõ việc xử lý tài sản bảo đảm trong Nghị quyết xử lý nợ xấu (Ảnh minh hoạ)

Sau khi tiếp thu những ý kiến về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra giải trình về những vấn đề liên quan tới việc xử lý các tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ xấu.

TCTD được quyền bán nợ, TSBĐ theo giá thị trường

UBTVQH chỉ ra quy định Bộ Luật dân sự, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá TSBĐ hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý TSBĐ. Như vậy, việc cho phép áp dụng các phương thức khác nhau trong xử lý TSBĐ sẽ bảo đảm hiệu quả xử lý nợ xấu nhanh với chi phí xử lý phù hợp.

Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về bảo đảm công khai, minh bạch, UBTVQH chỉnh lý Điều 5 dự thảo Nghị quyết như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ”.

Thu giữ TSBĐ trong trường hợp có tranh chấp

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp, liên quan tố tụng thì thực hiện qua Tòa án. Cần làm rõ phạm vi tranh chấp trong dự thảo Nghị quyết.

UBTVQH tiếp thu, bổ sung như sau: "Việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này chỉ thực hiện đối với tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không đang bị kê biên trong vụ án hình sự”. Việc xác định phạm vi tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cho rằng cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân; công khai minh bạch thông tin về thu giữ tài sản, kéo dài thời gian thông báo về việc thu giữ, quy định phù hợp về thẩm quyền của UBND và Công an cấp xã.

UBTVQH nhận định theo quy định tại Nghị quyết, việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên.

Như vậy, việc TCTD thu giữ TSBĐ là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ TSBĐ (chủ nhà) về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người chủ nhà đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký. Do vậy, việc thực hiện các quyền này không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp.

Cùng với đó, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 7 theo hướng minh bạch thông tin việc thu giữ, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Đồng thời, quy định phù hợp hơn về thẩm quyền của UBND cấp xã, cơ quan Công an, kéo dài thời gian thông báo để người có tài sản bị thu giữ có thêm thời gian sắp xếp việc chuyển giiao TSBĐ và sắp xếp chỗ ở cho những người liên quan nếu thu giữ TSBĐ là nhà ở.

Thu giữ TSBĐ là tài sản chung không vi phạm quyền của các đồng sở hữu

Đối với TSBĐ là tài sản chung thì ngay từ khâu nhận TSBĐ đã phải được sự đồng ý của tất cả đồng sở hữu. Bên bảo đảm (các đồng sở hữu) đã thỏa thuận, đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ TSBĐ nên việc thu giữ đảm là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm quyền của các đồng sở hữu. Trường hợp có tranh chấp, dự thảo Nghị quyết quy định việc giải quyết tranh chấp thực hiện qua Tòa án theo thủ tục rút gọn. UBTVQH nêu trong báo cáo.

Trường hợp TSBĐ dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác”.

Do đó, trường hợp TSBĐ cho nhiều nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn. Các bên nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý TSBĐ, việc thu giữ TSBĐ chỉ áp dụng nếu giao dịch bảo đảm thỏa mãn điều kiện quy định tại dự thảo Nghị quyết.

TCTD và VAMC không được thuê dịch vụ đòi nợ bên ngoài

Về vấn đề quy định TCTD và VAMC phải trực tiếp thu giữ TSBĐ mà không được uỷ quyền hoặc thuê các công ty dịch vụ đòi nợ, UBTVQH tiếp thu. Theo đó, bên cạnh việc tự thực hiện thu giữ, TCTD chỉ ủy quyền việc thu giữ TSBĐ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD đó; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho TCTD bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD bán nợ.

Đối với những tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án đối với bên liên quan có yếu tố nước ngoài, sẽ được thực hiện theo quy định trong Bộ Luật tổ tụng dân sự. Đồng thời, UBTVQH cũng đề xuất những trường hợp cụ thể trong áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án sẽ được hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tế phát sinh.

Xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản

Một số ý kiến cho rằng dự án bất động sản (BĐS) chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được thế chấp, chỉ nên cho phép bán dự án BĐS đủ điều kiện.

UBTVQH có ý kiến, pháp luật hiện hành cho phép thế chấp, nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Khi khách hàng không trả được nợ, về nguyên tắc, VAMC và TCTD được quyền xử lý TSBĐ đã nhận thế chấp hợp pháp. Theo UBTVQH, việc chuyển nhượng các dự án bất động sản sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Do vậy, nếu yêu cầu VAMC,TCTD đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì sẽ không thể xử lý, chuyển nhượng nhiều khoản nợ xấu có TSBĐ là dự án BĐS, hoặc tài sản hình thành trong tương lai chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt”, hoặc chủ đầu tư chưa có Giấy chứng nhận “quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Việc quy định như dự thảo Nghị quyết là phù hợp và cần thiết để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, góp phần thu hồi tối đa giá trị TSBĐ, xử lý tình trạng dự án treo, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người mua nhà tại dự án BĐS, UBTVQH nhận định.

quy dinh ro viec xu ly tai san bao dam trong nghi quyet xu ly no xau UBTVQH: Sẽ giữ nguyên tên và thời hạn áp dụng của Nghị quyết xử lý nợ xấu

Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã đưa ra giải trình chi tiết về một số ý kiến còn gây nhiều tranh cãi trong dự ...

quy dinh ro viec xu ly tai san bao dam trong nghi quyet xu ly no xau Thống đốc NHNN: Sẽ gỡ bỏ giới hạn xử lý nợ xấu

Việc chỉ xử lý nợ xấu đến thời điểm phạm vi nhất định không tạo cơ chế không được đồng bộ trong khi nợ xấu ...

quy dinh ro viec xu ly tai san bao dam trong nghi quyet xu ly no xau Tăng trưởng tín dụng tính đến 25/5 đạt 6,53%

Tăng trưởng tín dụng tính đến 25/5 đạt 6,53%, con số này cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 là 5% và năm 2015 ...

Diệp Bình