|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xu hướng tiêu thụ tôm đang thay đổi

15:15 | 16/06/2020
Chia sẻ
Người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sang mua qua các kênh bán lẻ, đặc biệt là sử dụng dịch vụ thương mại điện tử. Sự chuyển dịch này có thể tồn tại mãi mãi, và đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết.

Theo trang Undercurrent News, tôm vốn là ngành có cung cầu ổn định, trong đó phần lớn nông dân có thể kiếm ăn khá dễ dàng. 

Tuy nhiên, nhiều khu vực sản xuất trọng yếu trên thế giới đã chứng kiến giá tôm sụt giảm nhanh chóng, đầu tiên là Trung Quốc, sau đó là phân khúc dịch vụ thức ăn tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh phong tỏa.

Xu hướng tiêu thụ tôm đang thay đổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Fox News

Ngành công nghiệp nuôi và chế biến tôm đã đem đến doanh thu hàng năm ổn định cho dịch vụ ăn uống, thực phẩm. Tuy nhiên, nhu cầu tôm của các ngành giảm mạnh do dịch COVID-19, nhất là tại Mỹ và EU.

Một vấn đề cốt lõi mà ngành tôm phải giải quyết là lấp đầy khoảng trống trong nhu cầu do sự suy yếu của ngành dịch vụ thực phẩm cùng với việc cung cấp thực ăn cho một nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Theo ông Jim Gulkin, quản lí tại công ty xuất nhập khẩu hải sản Siam Canadian, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sang mua qua các kênh bán lẻ, đặc biệt là sử dụng dịch vụ thương mại điện tử. Sự chuyển dịch này có thể tồn tại mãi mãi, và đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết.

Ông Gulkin nói: “Tại Mỹ, có nhiều người không thích mua sắm online. Dịch bệnh buộc họ phải làm vậy, và từ đó họ nhận thức được sự tiện lợi của hình thức mua sắm này. Việc người tiêu dùng lựa chọn mua thức ăn đông lạnh online là dễ hiểu, nhưng khi mua đồ tươi sống, họ vẫn muốn tận mắt nhìn thấy đồ ăn mà mình đang mua.”

Mặc dù thức ăn đông lạnh khá phổ biến tại các nước phương tây, ông Gulkin tin rằng xu hướng chuyển dịch sang thương mại điện tử cũng sẽ rất mạnh tại các nước đông Á, nơi mà người dân thường quen mua sắm tại chợ truyền thống.

Theo nguồn tin của bà Fatima Ferdouse (cố vấn thủy hải sản của Liên Hợp Quốc), các nước Đông Nam Á có rất ít tôm trong thị trường mua sắm online.

Bà nói thêm: “Người dân Đông Nam Á vẫn ưa chuộng các loại cá hơn là sản phẩm tôm không đầu. Hơn nữa, các sản phẩm tôm đông lạnh là rất hiếm tại khu vực này, nên người tiêu dùng ngày càng mua ít tôm và mua nhiều cá hơn bất kì loại hải sản nào.” 

Mặt khác, phát triển thị trường nội địa là một phương án lí tưởng để nông dân thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo hiện nay.

Bà Ferdouse nhận định: “Chúng ta cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa một cách tốt nhất có thể. Tại Đông Nam Á, mọi chuyện phụ thuộc vào chi tiêu mà người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra để mua tôm.”

Ấn Độ là một thị trường với tiềm năng bất tận cho ngành tôm. Ngay cả khi chỉ 30% dân số ăn 2 kg tôm mỗi năm, họ vẫn sẽ tiêu thụ hết lượng tôm mà quốc gia này sản xuất.

Tại Mỹ, khác biệt về văn hóa cũng là một rào cản cho tôm xuất khẩu của các quốc gia khác. Nhiều người Mỹ không biết chế biến tôm ra sao. Họ thích ăn tôm, nhưng chỉ quen ăn tôm được nấu sẵn tại các nhà hàng.

Ông Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng nuôi trồng thủy sản Ecuador nhận định "Dù thế nào đi chăng nữa, một năm nữa, thị trường tôm sẽ có một diện mạo hoàn toàn khác biệt.

Dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy sự mong manh của thị trường, mọi thứ đang dần thay đổi trong bối cảnh phong tỏa và cách li xã hội. Và cuối cùng, chúng ta nhận thấy thị trường đã mãi thay đổi, thay đổi về khách hàng, thay đổi về cách mua hàng và thay đổi cả về cách ăn thức ăn".  

H.Mĩ