Xu hướng doanh nghiệp FDI ở Việt Nam rời đi là không đúng, chỉ đổ vốn chậm lại
Chiều 24/8, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tổ chức buổi công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tại Hà Nội. Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù dòng vốn FDI giảm do cú sốc COVID-19, nhưng cũng chứng tỏ được sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam.
Dòng vốn FDI giảm do khủng hoảng COVID-19
Cụ thể, trong nửa đầunăm 2021, tổng vốn FDI đăng ký giảm 2,6% (so cùng kỳ năm trước), đạt 15,3 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm tới 45% từ tháng 4 đến tháng 6, có thể cho thấy tâm lý thận trọng hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gần đây.
Dù đầu tư mới đã giảm do khủng hoảng COVID-19, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Vốn FDI đầu tư mới đăng ký giảm 6,6% năm 2020 nhưng ghi nhận tăng trưởng 12,4% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2021.
Tác động của đại dịch đến dòng vốn FDI đầu tư mới dường như ít nghiêm trọng hơn nhờ tăng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện với hai nhà máy điện khí hóa lỏng quy mô lớn trị giá 7,1 tỷ USD.
Mặc dù vậy, như có thể thấy ở các quốc gia đang phát triển khác, vốn FDI đầu tư mới đăng ký trong các ngành chế biến, chế tạo giảm 32,6% trong năm 2020, và 4,7% (so cùng kỳ năm trước) trong hai quý đầu năm 2021 sau một năm 2019 khởi sắc.
Đầu tư mua lại và sát nhập (M&A) giảm do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh sự phục hồi tổng cầu trong nước và tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) diễn ra chậm.
Sau khi tăng gấp ba từ năm 2016 đến năm 2019, đầu tư M&A - qua góp vốn hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước - giảm 50% trong năm 2020, sau đó giảm thêm 50% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2021.
Dòng vốn đầu tư M&A tăng trước đại dịch xuất phát từ sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài tới người tiêu dùng trong nước, nên suy giảm trong năm 2020 và đầu năm 2021 phản ánh sự cẩn trọng hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trước sự phục hồi chậm chạp của tiêu dùng tư nhân trong nước.
Một nguyên nhân nữa có thể do tiến độ chậm của chương trình cổ phần hóa DNNN của Chính phủ, vốn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua.
Các chuyên gia phân tích của World Bank nhận định, trong giai đoạn 2021-2023, về cán cân tài chính, dòng vốn FDI dự kiến sẽ phục hồi lại mức như trước COVID-19, do được nâng đỡ bởi xu hướng tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu, và nhu cầu đa dạng hóa các nguồn đầu vào sản xuất của nhiều chính phủ và công ty đa quốc gia.
Xu hướng rời đi của doanh nghiệp FDI là không đúng
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Cao cấp của World Bank nhận định, mặc dù dòng vốn FDI giảm do "cú sốc" COVID-19, nhưng vẫn có sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký giảm 2,6% (so cùng kỳ năm trước), đạt 15,3 tỷ USD.
Tham gia trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, một số thông tin dư luận về xu hướng rời đi của một số doanh nghiệp FDI ở Việt Nam là không đúng. Có chăng, xu hướng các doanh nghiệp FDI đổ vốn vào Việt Nam bị chậm lại do có thận trọng hơn trong việc đầu tư vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
“Vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghệ tăng rất mạnh, trong 7 tháng có gần 170 doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào các lĩnh vực phần mềm, viễn thông, điện tử… Đại dịch COVID-19 thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ số, điều này tạo ra thay đổi khá lớn về cơ cấu đầu tư doanh nghiệp FDI vào Việt Nam”, ông Hoàng Anh Tú cho hay.
Ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai tiêm vaccine và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng.
“Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”, ông Rahul Kitchlu nhận định.