Xu hướng của startup Việt 2018
Ảnh: Tường Vi |
PV: Theo bà đâu là những điểm đáng chú ý của các startup trong năm 2017?
- Bà Trương Lý Hoàng Phi: Nhìn lại, ta thấy nhiều điểm sáng nhưng xin nêu ngắn gọn bốn điểm nổi bật. Thứ nhất, ta thấy xuất hiện một số thương vụ đầu tư lớn, ví dụ như Tiki gọi vốn đầu tư từ JD.com hoặc như SEA mua lại 82% cổ phần từ Foody với giá 64 triệu đô la Mỹ. Thứ hai, ngày càng có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hướng đến phục vụ doanh nghiệp. Họ chọn mô hình B2B thay vì B2C.
Kế đến, thị trường xuất hiện nhiều startup công nghệ đi cùng dòng chảy thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật và công nghệ thực tế ảo xuất hiện. Và sau cùng, sự xuất hiện của Shark Tank. Tôi tin chương trình sẽ mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp.
PV: Bà nghĩ gì về hai thương vụ Tiki và Foody nêu trên?
- Trước hết, có thể thấy đó là một tin tích cực. Nó cho thấy sự hấp dẫn của hai startup công nghệ này trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng mặt khác, ta thấy có vấn đề cần đặt ra. Các thương vụ lớn đều đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Vậy liệu rằng tương lai có nhà đầu tư trong nước nào đủ nguồn lực giúp startup chinh phục thị trường quốc tế ở các giai đoạn sau?
Nhìn rộng ra, ở bất kỳ giai đoạn gọi vốn nào trong hành trình startup phát triển, nếu không có sự chuẩn bị phù hợp về chính sách, cuối cùng “sân chơi” cũng thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài.
PV: Năm qua, ta thấy đã có nhiều startup chọn cách tiếp cận theo mô hình B2B. Đây có phải là xu hướng nổi bật trong năm 2018?
- Tôi nghĩ B2B sẽ là một xu hướng đáng chờ đợi trong năm nay. Hơn 90% doanh nghiệp của nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Không ít trong số đó cần áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất bộ máy và năng lực quản trị.
Đây là cơ hội dành cho startup. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng bán hàng cho doanh nghiệp không dễ. Trước hết, họ có quán tính trong hệ thống. Để thay đổi, không phải chuyện một sớm một chiều. Đó là chưa kể các startup phải chứng minh được các giải pháp họ cung ứng phải mang lại giá trị lớn hơn chi phí doanh nghiệp bỏ ra. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Gần đây tôi thấy các doanh nghiệp và các startup đã bắt đầu gặp nhau nhiều hơn. Chẳng hạn như trong một chương trình kết nối nông nghiệp tháng 10-2017, nhiều chủ doanh nghiệp đã nêu bài toán mình gặp phải, có doanh nghiệp đặt hàng robot để vệ sinh trần cho nhà lưới nông nghiệp và một startup đứng lên chia sẻ họ có giải pháp.
Những kết nối kiểu như thế này, trước đây ít thấy xảy ra vì nhiều lý do khác nhau.
PV: Vậy làm sao để những kết nối như trên nhiều hơn và tốt hơn?
- Có nhiều cách. Sẽ tuyệt vời nếu các cơ quan hoặc dự án do Nhà nước đầu tư sử dụng giải pháp từ các startup. Đây là cách thiết thực ủng hộ startup phát triển.
Kế đến, Nhà nước cần có chính sách hiệu quả hơn để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) áp dụng công nghệ để đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, chính sách để các doanh nghiệp dẫn đầu dìu dắt, đồng hành cùng các startup trong hệ sinh thái ngành là điều cần xem xét. Hàn Quốc làm tốt điều này và chúng ta có thể tham khảo họ.
Bên cạnh đó, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các Hiệp hội cũng có thể hợp tác để kết nối SMEs và startup.
Cần hiểu sự hỗ trợ bên ngoài là cần thiết nhưng trên hết, tự bản thân doanh nghiệp và startup cần chủ động tìm đến nhau vì lợi ích của chính mình.
PV: Nếu nhìn theo mô hình thì B2B là một xu hướng. Còn nhìn theo ngành thì sao?
- Công nghệ đã, đang và sẽ tiếp tục là lĩnh vực nhiều bạn trẻ chọn để khởi nghiệp. Hy vọng chúng ta sẽ thấy sự trưởng thành các startup trong lĩnh vực AI, IoT, VR vốn đã xuất hiện trong thời gian qua.
Trong nông nghiệp nổi lên một nhánh khá thú vị đó là công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Tôi thấy không ít startup trong lĩnh vực này xuất hiện. Về phía doanh nghiệp nông sản, bản thân họ cũng chờ đợi những giải pháp mới từ startup, sẵn sàng hỗ trợ trong cả quá trình nghiên cứu, hoàn thiện giải pháp.
PV: Về công nghệ blockchain thì sao?
- Năm 2017, cuộc thi đầu tiên về blockchain đã có mặt tại Việt Nam. Năm nay, tôi nghĩ sẽ có nhiều sự kiện truyền thông để giới thiệu về công nghệ này. Thực tế, một số startup Việt Nam cũng đang phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ blockchian nhưng mọi thứ vẫn còn mới mẻ. Chúng ta hãy cùng chờ xem.