|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ba startup Việt lọt vào danh sách 100 công ty tiềm năng nhất châu Á năm 2023

14:41 | 29/08/2023
Chia sẻ
Trong số ba startup Việt có tên trong danh sách năm nay, có tới hai công ty từng lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam để gọi vốn.

Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2023. Danh sách này của tạp chí Forbes nêu bật 100 công ty nhỏ và startup có tiềm năng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những đơn vị có sự sáng tạo và năng lực để giải quyết những vấn đề mà thế giới đang gặp.

Theo Forbes, danh sách năm nay gồm nhiều startup hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả những lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) hay các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức rộng lớn như chẩn đoán ung thư dựa trên thành phần máu.

Để chọn ra 100 công ty tiềm năng nhất, Forbes Asia đã gửi danh sách đến các tổ chức, vườn ươm khởi nghiệp, trường đại học và những tổ chức có liên quan khác để xây dựng danh sách đề cử. Cuối cùng, Forbes Asia đã chọn ra 100 cái tên “ưu tú” nhất trong danh sách 550 công ty được đề cử.

Để đủ điều kiện có mặt trong danh sách năm nay, các công ty phải có trụ sở chính tại châu Á – Thái Bình Dương, thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận, có doanh thu trong năm tài chính gần nhất không vượt quá 50 triệu USD và nhận được tổng nguồn vốn đầu tư không quá 100 triệu USD tính đến ngày 7/8.

 Số lượng công ty trong danh sách Forbes Asia to Watch 2023 theo từng quốc gia. (Nguồn: Forbes - Anh Nguyễn tổng hợp).

Có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có ít nhất một startup có trên trong danh sách năm nay, ít hơn so với con số 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách năm 2022. Trong đó, Singapore tiếp tục là quốc gia đóng góp số lượng lớn nhất với 20 doanh nghiệp. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Hong Kong (15 doanh nghiệp) và Trung Quốc (11 doanh nghiệp).

Các trung tâm khởi nghiệp mới nổi trong khu vực là Indonesia và Philippines cũng đóng góp lần luợt 11 công ty và 9 công ty trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2023.

Trái với danh sách năm 2022, năm nay chỉ có Đài Loan (Trung Quốc) là quốc gia có duy nhất một đại diện có mặt trong danh sách. Trước đó, trong năm 2022, có tới 5 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ có duy nhất một cái tên trong danh sách, gồm Bangladesh, Pakistan, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

Bên cạnh đó, Forbes đã chia 100 doanh nghiệp này vào 11 lĩnh vực, bao gồm công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe, công nghệ doanh nghiệp, ăn uống và nghỉ dưỡng, giáo dục, giải trí, nông nghiệp, logistics, xây dựng, tài chính, thương mại điện tử và bán lẻ, công nghệ tiêu dùng.

Trong đó, những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu bao gồm tài chính, công nghệ tiêu dùng, ăn uống và nghỉ dưỡng, công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe cũng như công nghệ doanh nghiệp.

Ba công ty Việt có tên trong danh sách Forbes Asia to Watch 2023

Năm nay, Việt Nam có ba đại diện góp mặt trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2023, bao gồm KiotViet, Dat Bike và Coolmate.

Cụ thể, theo giới thiệu trên Forbes, Coolmate là doanh nghiệp Việt Nam được thành lập vào năm 2019, hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử & bán lẻ, được dẫn dắt bởi CEO Nhu Phạm.

CEO Coolmate Nhu Phạm. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử đang phát triển tại Việt Nam, startup hoạt động theo mô hình D2C Coolmate đã bán các sản phẩm thời trang dành cho nam giới, từ áo phông cho tới kem cạo râu. Coolmate có kế hoạch mở rộng cung cấp hơn 180 sản phẩm, có sẵn trên trang web của công ty hoặc các nền tảng thương mại điện tử khác như Shopee.

Theo dữ liệu từ Forbes, những nhà đầu tư chính vào Coolmate gồm có những cái tên như 500 Global, Access Ventures, Cyberagent Capital, Do Ventures, DSG Consumer Partners, GSR Ventures và Nexttech.

Coolmate từng gây tiếng vang khi tham gia chương trình “Shark Tank Việt Nam” và trở thành thương vụ đầu tiên của mùa 4 gọi vốn thành công với 500.000 USD cho 10% cổ phần cùng với 2,5% cổ phiếu cố vấn (advisory shares) từ Shark Bình.

Về phần Dat Bike, Forbes cho biết startup này được thành lập vào năm 2019, họt động trong lĩnh vực xe điện, được dẫn dắt bởi CEO Sơn Nguyễn. Công ty có trụ sở tại Đà Nẵng, chuyên sản xuất các dòng xe máy điện với các linh kiện có nguồn gốc từ Việt Nam.

Những nhà đầu tư chính vào Dat Bike tính đến hiện tại có thể kể đến như Delivery Hero Ventures, GSR Ventures, Hustle Fund, ISeed Ventures, Jungle Ventures, TVS Motor và Wavemaker Partners.

Dat Bike cũng từng lên sóng Shark Tank Việt Nam gọi vốn. (Ảnh: Dat Bike).

Giống như Coolmate, Dat Bike cũng từng lên sóng chương trình “Shark Tank Việt Nam” để gọi vốn vào năm 2019, song tại thời điểm đó, Shark Bình từng nhận định rằng xe máy điện đang là xu hướng, nhưng cho biết “sẽ không ai mua xe của Dat Bike”.

Dù vậy, trái với dự đoán của Shark Bình, Dat Bike sau đó đã có những bước tiến đáng kể. Tổng số vốn Dat Bike huy động được tính đến hiện tại đã lên tới con số 16,5 triệu USD. Dat Bike đã có mặt tại ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

KiotViet được thành lập vào năm 2014. (Ảnh: KiotViet).

Với KiotViet, đây là một startup được thành lập vào năm 2014, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, được dẫn dắt bởi CEO Trần Nguyên Hạo, theo giới thiệu trên Forbes.

KiotViet khởi đầu là công ty con của công ty phát triển phần mềm Citigo Software, có hệ thống bán hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam. KiotViet đặt mục tiêu phục vụ như một trung tâm tổng hợp về quản lý hàng tồn kho, CRM dịch vụ quản lý nhân viên,… Phía công ty cho biết họ có hơn 200.000 khách hàng vào cuối năm 2022.

Các nhà đầu tư chính vào KiotViet có thể kể tới bao gồm Baecon Venture Capital, Cao Viet My Investment Development Technology, Jet Tech Innovation Ventures, Jungle Ventures, Kite Asia Holdings và KKR.

Anh Nguyễn

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.