Các startup Việt gọi vốn thành công hơn 400 triệu USD trong quý II
Theo dữ liệu của DealStreetAsia, những thị trường trọng điểm tại châu Á, gồm Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc đại lục, đều chứng kiến tổng vốn đầu tư cho các startup trong quý II sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm trong quý II cho thấy đà đi xuống của thị trường gọi vốn cho startup tại châu Á nói chung trong 6 tháng đầu năm 2023. Dữ liệu do Data Vantage của DealStreetAsia tổng hợp cho thấy ở Đông Nam Á và Ấn Độ, tổng nguồn vốn tài trợ cho các startup trong nửa đầu năm nay ít hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong ba thị trường trọng điểm này, Đông Nam Á là nơi chứng kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho các startup giảm lớn nhất, ở mức 58,6%. Các startup có trụ sở ở Đông Nam Á đã huy động được 2,13 tỷ USD vốn đầu tư trong quý II, thấp hơn nhiều so với mức 5,13 tỷ USD trong quý II/2022.
Ấn Độ xếp ngay phía sau với mức sụt giảm xấp xỉ 57%. Các startup Ấn Độ đã huy động thành công 3,22 tỷ USD trong quý II, giảm sâu so với mức 7,56 tỷ USD cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ India Deal.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho các startup ở Trung Quốc đại lục được giữ ở mức tương đối ổn định. Các startup có trụ sở tại Trung Quốc đã huy động thành công 10,9 tỷ USD trong quý II, chỉ giảm 3,36% so với cùng kỳ năm trước (11,28 tỷ USD), theo Greater China Deal Review.
Việt Nam vượt qua Indonesia về tổng vốn đầu tư cho các startup trong quý II
Gary P. Khoeng, một đối tác của Vertex Ventures Đông Nam Á & Ấn Độ, cho biết khối lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Indonesia dự kiến sẽ giảm vì ảnh hưởng của nền kinh tế bất ổn toàn cầu bất ổn và chủ nghĩa bảo thủ của các nhà đầu tư, vốn đã phổ biến kể từ năm 2022.
"Nói chung, chúng tôi có cái nhìn lạc quan, nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng cho nửa cuối năm 2023 và thậm chí cả năm 2024. Bối cảnh kinh tế đã được cải thiện phần nào trong năm nay, nhưng hiện chúng tôi vẫn không thể chắc chắn về bất kỳ điều gì”, ôngGary P. Khoeng nói.
Sau khi vượt Thái Lan về tổng giá trị nguồn vốn đầu tư cho startup trong quý I, Indonesia đã tụt lại phía sau Việt Nam trong quý II. Các startup của Indonesia đã huy động được 327 triệu USD trong quý II, trong khi con số tương tự tại Việt Nam là 413 triệu USD.
Một xu hướng đáng quan tâm khác trên thị trường startup Đông Nam Á là nguồn vốn đầu tư trong vòng gọi vốn hạt giống (Seed Round), vốn trước đây được giữ ở mức tương đối ổn định, nhưng đã bắt đầu cảm thấy áp lực trong quý II.
Chỉ có 52 startup ở Đông Nam Á nhận được nguồn vốn đầu tư trong vòng gọi vốn hạt giống trong quý II, giảm 29,7% so với quý I và giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Data Vantage cho biết xu hướng này "làm dấy lên mối lo ngại vì vốn đầu tư trong vòng gọi vốn hạt giống đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các startup bắt đầu 'khởi nghiệp', trang trải các chi phí thiết yếu như phát triển sản phẩm, tuyển dụng nhân sự, tiếp thị và vận hành giai đoạn đầu".
Tổng vốn đầu tư cho các startup tại Đông Nam Á và Ấn Độ trong năm 2023 sẽ khó ngang bằng năm 2022
Với tốc độ như hiện tại, các chuyên gia dự đoán tổng vốn đầu tư cho các startup trong năm 2023 tại Trung Quốc đại lục sẽ tăng lên so với năm 2022. Tổng cộng, các startup ở Trung Quốc đại lục đã kêu gọi thành công 25,7 tỷ USD vốn đầu tư trong nửa đầu năm 2023, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, không phải là không có những nỗi lo tại thị trường Trung Quốc đại lục. Dù chứng kiến mức tăng lớn trong quý I, song tổng vốn đầu tư cho các startup trong quý II lại giảm 25,3% so với quý đầu tiên, một dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng đã bị ảnh hưởng khi môi trường huy động vốn ngày càng khó khăn.
Ngược lại, ở Đông Nam Á, tổng vốn đầu tư cho các startup trong nửa đầu năm 2023 chỉ bằng 44% cùng kỳ năm trước. Các startup ở Đông Nam Á đã huy động thành công tổng cộng 4,2 tỷ USD vốn đầu tư trong nửa đầu năm nay, giảm 56% so với cùng kỳ.
Thậm chí, tổng vốn đầu tư mà các startup ở Đông Nam Á huy động được trong nửa đầu năm 2023 còn ít hơn so với số tiền mà các startup ở khu vực này huy động được chỉ tính riêng trong quý I/2022.
Số tiền mà các startup Ấn Độ huy động được trong nửa đầu năm nay chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2023, các startup Ấn Độ đã huy động được 6,58 tỷ USD, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy các startup Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc gọi vốn ở nửa cuối năm 2023. Với tốc độ hiện tại, các chuyên gia tin rằng tổng vốn đầu tư cho các startup ở Đông Nam Á và Ấn Độ trong năm 2023 sẽ không bằng năm trước.
"Môi trường gọi vốn ngày càng khó khăn. Một số quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư tổ chức còn ngại tiếp xúc với các startup ở một số khu vực nhất định. Chúng tôi cũng có lần đầu tiên chứng kiến một nhà đầu tư nói rằng họ không muốn đến thị trường Trung Quốc đại lục", Kenneth Gaw, nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Gaw Capital Partners cho biết.