Xét xử Phạm Công Danh chiều 31/7: Đại diện Sacombank cho rằng thu hồi khoản 6.100 tỷ là không công bằng
Xét xử Phạm Công Danh sáng 30/7: Luật sư đề nghị CBBank trả lại 4.500 tỷ cho nhóm pháp nhân của Phạm Công Danh | |
Xét xử vụ Phạm Công Danh sáng 26/7: Bí ẩn 'con đường đi' của khoản 4.500 tỷ tăng vốn |
Chiều nay (31/7) tiếp tục diễn ra phiên xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Theo đó, các luật sư bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank sẽ trình bày quan điểm về việc thu hồi 6.126 tỷ đồng được xác định là tiền thiệt hại trong vụ án từ các ngân hàng để khắc phục hậu quả.
5h: Kết thúc phiên tòa
Đại diện BIDV đồng ý với quan điểm của LS Thiệp và bảo lưu quan điểm tại phiên tòa trước.
4h30: Thu hồi khoản tiền 6.100 tỷ đồng là không khả thi
LS Nguyễn Huy Thiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho BIDV bảo lưu quan điểm phiên tòa trước.
LS cho rằng VKS bảo lưu quan điểm thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng hoàn toàn là quan điểm đặt ra mà không có căn cứ. NHNN đã có văn bản đáp ứng nội dung này nhưng VKS đã không xem xét. Đồng thời, LS cho biết cơ quan điều tra không có cơ chế, căn cứ pháp lý để thu hồi khoản tiền này.
LS cho rằng cần xác định trách nhiệm hình sự được quy định như thế nào. Ở đây, ông Danh và đồng phạm đã thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng thì người phải chịu trách nhiệm này là ai. LS cho biết là người có hành vi trái pháp luật. Vì vậy đề nghị 3 ngân hàng hoàn trả khoản tiền trên là vô lý không phù hợp với quy định pháp luật.
Về vật chứng vụ án, đại diện VKS có căn cứ nào chứng minh số tiền 6.100 tỷ đồng thu giữ theo đúng quy định thì mới xem là vật chứng. Luật sư đề nghị VKS làm rõ số tiền này là vật chứng.
Về nội dung số tiền trên, LS cho biết chủ trương vay vốn tại BIDV đúng quy định. Về giao dịch cho vay và hồ sơ tín dụng đáp ứng điều kiện cho vay theo quy định 1627. NHNN cũng đã có công văn trả lời, làm rõ tính pháp lý của các hợp đồng cho vay. Đồng thời, quá trình cho vay, nhận tài sản và thu hồi nợ đúng quy định. Việc VNCB gửi tiền tại 3 ngân hàng đã được tổ giám sát NHNN chấp thuận do đó việc gửi tiền làm tài sản cầm cố đúng quy định.
Liên quan đến tất toán hợp đồng cho vay, NHNN đã kết luận việc thu hồi nợ là có căn cứ pháp lý, BIDV đã thu hồi nợ cả gốc và lãi đúng như cam kết là phù hợp với quy định pháp luật.
BIDV không hề biết mục đích thực sự của VNCB khi giới thiệu 12 công ty vay vốn, không biết 12 công ty này là của ông Danh. Chính vì vậy khi phát hiện các công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ, BIDV đã thu hồi là đúng quy định. Như vậy thiệt hại VNCB là do các cán bộ của VNCB gây ra không thuộc trách nhiệm của BIDV.
Trách nhiệm của CBBank, là nguyên đơn dân sự có yêu cầu 3 ngân hàng trả lại hơn 6.100 tỷ đồng thì BIDV có yêu cầu trả lại số tiền hơn 2.500 tỷ đồng trái mục đích.
Việc thu hồi khoản tiền 6.100 tỷ đồng là không khả thi bởi khoản tiền này hòa chung vào tổng nguồn vốn, thực hiện chia cổ tức cho các cổ đông. Việc thu hồi sẽ phát sinh ra những vấn đề rắc rối, phục hồi những tài sản đã thế chấp.
Đề nghị của VKS không xuất phát và đảm bảo quyền lợi ích liên quan. Nếu thu hồi thì buộc Nhà nước phải bỏ tiền túi của mình ra thực hiện do BIDV là ngân hàng được nhà nước nắm cổ phần chi phối. Đây là hệ lụy lớn khiến hệ thống ngân hàng lo lắng, gia tăng rủi ro pháp lý. Đồng thời làm xáo trộn môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn. Trong khi đó Chính phủ rất quan tâm đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng.
Từ những phân tích trên, LS Thiệp cho rằng BIDV không có trách nhiệm bồi hoàn. Nếu thu hồi sẽ ảnh hưởng tâm lý bất an cho các cán bộ tín dụng trước những vi phạm không phải mình gây ra. Do đó, LS đề nghị HĐXX không chấp nhận thu hồi 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng.
15h42: toà nghỉ giải lao
15h20: Luật sư nhấn mạnh tính hợp pháp của các hợp đồng tín dụng tại các ngân hàng
LS Lê Hồng Hiển bảo vệ lợi ích hợp pháp cho TPBank trình bày:
Liên quan số tiền hơn 1.700 tỷ đồng tại TPBank, các hợp đồng cho vay hoàn toàn hợp pháp đúng quy định cho nên việc thu hồi chưa có đủ căn cứ pháp lý. Việc VNCB mở tài khoản thanh toán tại TPBank cũng hoàn toàn hợp pháp. Ngoài ra theo kết luận giám định của NHNN hoạt động tiền gửi tại các TCTD là đúng quy định.
Đối với các hợp đồng tín dụng mà TPBank ký với 11 khách hàng vay vốn, hợp đồng này hoàn toàn hợp pháp, đúng quy định luật TCTD, đã được NHNN và cơ quan điều tra ghi nhận. Mặc dù 3 ngân hàng có thiếu sót trong quá trình cho vay nhưng không vi phạm quy định pháp luật.
Liên quan đến giao dịch đảm bảo bao gồm cầm cố, bảo lãnh của VNCB tại TPBank , đây là các giao dịch hợp pháp. Các hợp đồng này được ký bởi các đại diện hợp pháp. Trước khi VNCB dùng tiền gửi làm tài sản đảm bảo, VNCB đã gửi các hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo.
Về thu hồi nợ, luật sư cho rằng phù hợp với quy định pháp luật. Trình tự thủ tục, xử lý tài sản đảm bảo của TPBank cũng tuân thủ quy định. Theo đó, việc thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng không có đủ pháp lý, không tuân thủ luật tố tụng hình sự.
LS đồng ý với VKS khi cho rằng ông Danh và đồng phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho VNCB nên TPBank không có trách nhiệm đối với hành vi làm trái của ông Danh.
Liên quan đến số tiền hơn 1.600 tỷ đồng giải ngân cho 11 công ty vay vốn, cơ quan điều tra phát hiện trong đó 600 tỷ đồng trả cho nhóm Phú Mỹ, 200 tỷ đồng cho VNCB... khoản tiền này đã sử dụng cho hành vi trái pháp luật, không đúng mục đích vì vậy đề nghị xác định số tiền này đang được ai nắm giữ, quản lý để thu hồi, khắc phục và trả lại cho người bị hại.
Đại diện TPBank giữ nguyên lời trình bày phiên tòa lần trước và không bổ sung gì thêm.
15h10: Thu hồi khoản 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng là không công bằng
LS Huệ Ninh đại diện bảo vệ quyền lợi lợi ích cho Sacombank cho rằng nếu có khoản tiền hơn 6.100 tỷ đồng là vật chứng cần thu hồi, thì không còn nằm ở Sacombank nữa, do đó việc thu hồi không còn phù hợp.
Đối với các giao dịch cho vay của Sacombank đối với 6 công ty là do pháp nhân Sacombank thực hiện. Sacombank đã thực hiện đầy đủ quy định và được NHNN khẳng định tại kết quả giám định. Những thiếu sót trong quá trình cho vay không ảnh hưởng đến tính pháp lý của hợp đồng cho vay do đó Sacombank không gián tiếp gây ra thiệt hại cho VNCB.
Bên cạnh đó, việc thu hồi sẽ ảnh hưởng tâm lý đên các cổ đông, nhà đầu tư và hoạt động 3 ngân hàng, mong HĐXX xem xét, lưu tâm đến đơn đề nghị của Hiệp hội ngân hàng. Đề nghị tuyên không thu hồi 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng.
Đại diện Sacombank giữ nguyên quan điểm tại phiên tòa trước. Sau khi nghe kết luận bổ sung của VKS, kiến nghị HĐXX không chấp thuận thu hồi khoản tiền 6.100 tỷ đồng. Bởi việc thu hồi sẽ tạo ra tiền lệ xấu đối với hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động ngần hàng, Ngân hàng phải đối diện với nguy cơ khiếu nại của khách hàng mà không bị hạn chế bởi pháp lý nào. Khi không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì phải thu hồi tài sản đảm bảo.
Mong HĐXX xem xét kết luận giám định của NHNN, việc cho vay và thu nợ có căn cứ pháp lý. Việc thu hồi sẽ dẫn thiệt hại cho 3 ngân hàng, đây là sự không công bằng. Do đó, Sacombank mong HĐXX xem xét tính pháp lý, kết luận giám định của NHNN và công văn của hiệp hội ngân hàng. Đồng thời không chấp nhận thu hồi 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng.
14h35: Tiếp tục bào chữa cho các bị cáo
HĐXX công bố bài bào chữa cho bị cáo Lê Văn Phúc, Lê Văn Tuấn và Nguyễn Hồng Dũng của LS Đặng Đức Trí do xin phép vắng mặt. LS cho rằng các bị cáo nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và ăn năn hối lỗi. LS đề nghị giảm nhẹ tội cho các bị cáo, đề cáo tính giáo dục, tạo điều kiện cho ba bị cáo chữa bệnh.
Bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) mong HĐXX xem xét lại lời bào chữa đã trình bày lần trước. Nếu xem xét hậu quả thì chỉ nên xem xét số tiền hơn 1.600 tỷ đồng. Đồng thời cho rằng, bị cáo không có hành vi bỏ mặc hậu quả thì không phải chịu trách nhiệm hậu quả xảy ra.
“Hành vi tăng vốn điều lệ, ông Danh hưởng lợi gì. Tại thời điểm đó, tại sao ông Danh lại bất chấp để tăng vốn điều lệ”, bị cáo cho hay.
Bị cáo cho rằng hậu quả Đây là do bà Hứa Thị Phấn gây ra, nếu không tăng vốn điều lệ sẽ không tăng trưởng, trước sau gì cũng phá sản. Mong HĐXX xem xét động cơ thực hiện, chứ không đánh giá bề nổi.
Về khoản 4.500 tỷ đồng, tổng số tiền chi ra là 7.600 tỷ đồng. Bị cáo Khương cho rằng ai là người thụ hưởng cuối cùng thì người đó phải chịu trách nhiệm. Bị cáo đề nghị xem xét thu hồi cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đã là sai phạm thì phải thu hồi triệt để bao gồm cả 4.500 tỷ đồng.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) mong muốn HĐXX đánh giá nhiều hơn, giảm nhẹ hình phạt so với đề nghị của VKS. Đồng thời xem xét bối cảnh, nguyên nhân phạm tội, trách nhiệm của bà Hứa Thị Phấn tại vụ án, bà là người gây hậu quả. Mong HĐXX cân nhắc thu hồi khoản 3.600 tỷ đồng ông Danh trả cho bà Phấn.
Bị cáo Hoàng Long Hà - nguyên Phó Giám đốc BIDV Gia Định cho rằng mình không phải là đồng phạm của ông Danh do không hề tham gia bàn bạc với ông Danh.
Về mối quan hệ 3 bên BIDV, Công ty Phong Hiệp và VNCB, bị cáo cho rằng VNCB vi phạm điều 127 luật TCTD, không thuộc trách nhiệm của BIDV. BIDV không có chức năng can thiệp nội bộ cho vay hay không cho vay của VNCB đối với công ty Phong Hiệp.
Liên quan đến thu hồi nợ, bản thân bị cáo không muốn gây thiệt hại cho VNCB. Nếu không thu hồi nợ sẽ gây ra thất thoát cho BIDV. Do đó việc bị cáo gây tổn thất cho ngân hàng xây dựng mong HĐXX xem xét lại.
Tóm tắt phiên tòa sáng 31/7:
Trong phiên toà sáng nay (31/7), các luật sư tiếp tục đưa ra lời bào chữa cho các bị cáo. Theo đó, đề nghị HDXX xem xét giảm nhẹ các hình phạt cho các bị cáo dựa trên cơ sở đánh giá lại các khía cạnh liên quan đến hành vi phạm tội.
LS bào chữa cho bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên Giám đốc khối KHDN TPBank) cho rằng bị cáo Cường không phải là thành viên của hội đồng tín dụng, không có thẩm quyền cho vay. 3 hợp đồng vay tại TPBank là do Hội đồng tín dụng TPBank phê duyệt. Đồng thời, bị cáo cũng không có trách nhiệm phải kiểm tra và thẩm định hồ sơ vay vốn. LS cho rằng có thể là do quá trình kiểm soát bị hổng nên bị cáo vô tình phạm lỗi.
Luật sư Hoàng Thị Thu bào chữa cho Nguyễn Ngọc Sơn nguyên trưởng phòng khách hàng BIDV phân tích bị cáo Sơn thực hiện là đúng quy định cho vay. Việc VNCB bảo lãnh cho Công ty Phong Hiệp nằm ngoài sự kiểm soát của bị cáo.
Hơn nữa bị cáo chính là người bị hại trong vụ án. VNCB đã giới thiệu khách hàng cho BIDV thì VNCB phải có trách nhiệm kiểm tra khách hàng, phải biết tư cách ông Hiệp tại VNCB. Tuy nhiên khi giới thiệu khách hàng, VNCB đã che dấu khiến bị cáo trở thành mắt xích cho vay. Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của VNCB do đã không thực hiện hạch toán nợ, đối chiếu công nợ khách hàng và bão lãnh ngân hàng.
Bị cáo Trầm Bê (ảnh: MA) |
Bị cáo Trầm Bê mong HĐXX, VKS xem xét lại đề nghị đối với bị cáo, 4-5 năm rất nặng nề cho bị cáo. Nếu như có sai là do bị cáo hiểu biết, suy nghĩ đơn giản. Bị cáo thực hiện sai hoàn toàn không có cố ý. Nếu biết sai thì bị cáo không để sai. Bị cáo đã làm kinh tế 38 năm chưa hề bị cơ quan pháp luật nào điều tra.
Ông nhận định mình đã hoàn toàn khai báo thành khẩn, không để cơ quan điều tra gặp khó khăn. Đồng thời bị cáo Trầm Bê cho rằng mình không làm sai, đối với cho vay ngân hàng được sự bảo lãnh bằng tiền thì đây là đúng. Ông mong HĐXX xem xét, để bị cáo được hoà nhập với xã hội.
Bào chữa bị cáo Trầm Bê, LS Mai Hồng cho biết bị cáo Bê giữ nguyên lời khai và đề nghị xem xét hình phạt. Liên quan đến tài sản kê biên, LS đề nghị xem xét giải tòa kê biên quyền sử dụng đất tại đường Hồng Bàng vì đây là tài sản chung của vợ chồng Trầm Bê.
Về phần nhân thân, bị cáo phạm tội lần đâu, nhân thân tốt, hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Bản thân bị cáo hơn 60 tuổi, bệnh tiểu đường hơn 10 năm nay, biến chứng suy thận suy gan. Tạm giam từ tháng 8/2017 đến nay, bị cáo thường xuyên nằm viện dài ngày.
Theo luật sư, thời gian tạm giam của bị cáo đến nay đã 1 năm, đã có tính răn đe nghiêm khắc. Do đó, luật sư cho rằng không cần thiết phải cách ly bị cáo Trầm Bê ra khỏi xã hội.
Các bị cáo khác thừa nhận trách nhiệm và đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.