Xây sàn thương mại điện điện tử, doanh nhân khốn đốn vì chữ 'tham'
Vốn là dân đầu tư, Nguyễn Trung Kiên rất nhạy cảm với biến động của thị trường và nắm bắt xu hướng rất tốt. Suốt một thời gian dài, anh kinh doanh theo phương thức đầu tư ngắn hạn, chuyên xây dựng doanh nghiệp rồi bán lại.
Hành trình từ nhà đầu tư thành dân khởi nghiệp
Sau khi lập gia đình, Kiên muốn có một doanh nghiệp, một thương hiệu riêng nhằm để lại di sản cho thế hệ sau. Năm 2017, anh thành lập công ty để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến.
"Tôi giúp họ chọn mặt hàng, phân khúc, nhà sản xuất; xác lập những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã", anh kể.
Nhưng sau một thời gian, những khách hàng của Kiên đều gặp khó khăn do hàng tồn. Nghiên cứu tình hình, anh nhận ra rằng, muốn kinh doanh thương mại điện tử bền vững và hiệu quả, anh cần xây dựng hệ sinh thái bán buôn trên nền tảng công nghệ, nơi mỗi thành viên có thể trở thành đại lí bán hàng.
Nguyễn Trung Kiên, người sáng lập và điều hành nền tảng thương mại điện tử Akie. Ảnh: Akie.vn
Nền tảng thương mại điện tử mua buôn Akie ra đời sau khoảng nửa năm xây dựng hệ thống. Ngoài việc phát triển đại lí, Kiên đặt các nhà máy sản xuất những mặt hàng tiêu dùng đòi hỏi ít vốn mà dễ tiếp cận thị trường.
Hơn một năm sau, khi có sản phẩm, Kiên vay thêm tiền để đẩy mạnh quảng cáo, truyền thông, làm thương hiệu. Chàng giám đốc tự tin rằng anh đang đi đúng hướng.
Vậy nhưng, sau hơn một năm tiếp theo, số lượng thành viên của Akia chỉ đạt vài trăm, đơn hàng thưa thớt trong khi anh vẫn phải đổ tiền để nâng cấp ứng dụng, nhân sự, sản xuất và nhiều chi phí phát sinh khác.
"Quá mải mê theo đuổi ý tưởng, tôi quên bài toán về dòng tiền khiến nguồn tài chính cạn kiệt nhanh. Suốt hai năm, tôi chỉ có chi mà không có thu", Kiên thừa nhận.
Lại tiếp tục tìm hiểu vấn đề, Kiên nhận ra nguyên nhân: Tình trạng thiếu động lực trong mỗi mắt xích của hệ thống. Nhưng nếu tiếp tục, anh sẽ phải vay tiền lần nữa. Đây là việc rất khó vào thời điểm ấy, nhưng anh quyết định vượt qua giới hạn bản thân.
Thoát hiểm, rồi lại bế tắc
Vay thêm tiền từ nhiều nguồn, Kiên áp dụng chính sách chia sẻ hoa hồng cho những người giới thiệu ứng dụng mua buôn Akie với mọi người, đồng thời tăng quyền lợi cho khách mua. Khi làm vậy, đương nhiên anh chấp nhận giảm lợi nhuận của Akie.
Chỉ sau 3 tháng, lương thành viên tăng lên hàng trăm nghìn người. Mọi người đều cảm thấy phấn khởi và Akie bắt đầu có nguồn thu.
Giới thiệu ứng dụng mua buôn AKIE. Video: Akie
Nhưng cũng chỉ sau vài tháng, vấn đề lại xuất hiện. Để có thể đặt các nhà máy sản xuất hàng với giá rẻ, Kiên phải đảm bảo không chỉ về số lượng mặt hàng, mà còn phải cam kết đặt tối thiểu 5.000 sản phẩm đối với mỗi chủng loại. Nhưng một số sản phẩm bán chạy, một số sản phẩm ế.
"Một bên là núi hàng tồn kho, một bên là sức ép cung ứng hàng cho toàn hệ thống. Tiền đã hết, lực đã cạn, nhưng tôi vẫn phải gồng lên để duy trì hệ thống thương mại, vận hành ứng dụng. Tôi còn phải lo chi phí lưu kho và trả nợ. Bế tắc, tôi rơi vào vòng luẩn quẩn tưởng như không thể thoát ra", Kiên kể.
Kiên kể rằng, trước kia, với vai trò nhà đầu tư, anh lí trí và mạnh mẽ bao nhiêu thì khi gặp khó khăn với tư cách người điều hành doanh nghiệp, anh cảm thấy yếu đuối bấy nhiêu.
Bỏ chữ "tham" để tiến vững chắc hơn
Lại tiếp tục nghiên cứu những mô hình thương mại điện tử trên thế giới, Kiên nhận ra anh đang "tham" trong khi nguồn lực quá mỏng. Anh vội vàng đầu tư cho sản xuất khi chưa nắm vững thị trường.
Hiểu ra vấn đề, Kiên lập tức mời các doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái thương mại điện tử Akie để phân phối và bán sản phẩm thông qua hàng trăm nghìn thành viên của hệ thống. Akie sẽ chỉ phụ trách hạ tầng mạng và đóng vai trò trung gian.
"Việc chỉ đóng vai trò trung gian giúp Akie giảm tối đa chi phí vận chuyển, lưu kho bãi và quản lí hàng tồn kho. Tình trạng tồn kho không còn, vốn xoay vòng nhanh hơn và ổn định hơn", Kiên thừa nhận.
Akie cũng liên tục nâng cao quyền lợi của các đối tác, xây dựng các đại lí độc quyền ở các tỉnh, thành phố, đồng thời hỗ trợ truyền thông, quảng bá cho các nhà phân phối.
Năm 2019, công ty kí hợp đồng nhượng quyền thương hiệu cho một đối tác ở Thái Lan để triển khai mô hình của Akie tại xứ chùa vàng. Hàng chục doanh nghiệp Thái Lan cũng đã kí hợp đồng phân phối hàng hóa trên hệ thống Akie ở Việt Nam.
Mục tiêu tiếp theo của Akie là thị trường Hàn Quốc. Hiện tại, Akie đang đàm phán để nhượng quyền thương hiệu ở xứ kim chi.
"Hiện nay, Akie có khoảng một triệu thành viên và con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2020", Kiên dự đoán.