Nền tảng thương mại điện tử thời trang ở Đông Nam Á hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Dhruv Kapoor và Ankiti Bose và thành lập Zilingo vào năm 2015 để kết nối trực tiếp nhà cung cấp trong ngành thời trang với các thương hiệu, góp phần giảm chi phí sản xuất vì loại khâu trung gian.
Các thương hiệu dệt may "chạy" khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại
Thuế quan cao hơn mà Mỹ áp lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đã đẩy nhanh việc di dời ngành sản xuất hàng dệt may ra khỏi Trung Quốc và chuyển đến các nước Đông Nam Á, "sân sau" của Zilingo, theo South China Morning Post.
Ankiti Bose, giám đốc điều hành của Zilingo, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng các nước như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia và Indonesia đã trở thành các trung tâm sản xuất hàng thời trang. Do vậy, đây là giai đoạn đầy cơ hội.
Dhruv Kapoor và Ankiti Bose, hai người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Zilingo. Ảnh: sgsme.sg
"Khi mọi người muốn dừng lấy hàng từ Trung Quốc xuất phát từ lo ngại về cuộc chiến thương mại, cơ hội dường như đang hé mở cho chúng tôi. Các quốc gia đang nhanh chóng lấp khoảng trống mà Trung Quốc để lại và chúng tôi đang hưởng lợi trực tiếp", Bose nói.
Cơ hội đó thực sự mở ra khi chính cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến thúc đẩy nhanh xu hướng di dời sản xuất hàng hóa ra khỏi Trung Quốc sang các nước có chi phí thấp hơn ở Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ và Bangladesh ở Nam Á.
Chính quyền Trump đã áp thuế đối với gần một nửa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong bối cảnh Washington thúc Bắc Kinh mở thị trường hơn nữa và giải quyết các vấn đề lâu dài về thương mại, bao gồm việc các công ty nước ngoài phải chia sẻ công nghệ nếu muốn hoạt động ở đại lục.
Xu hướng lấy hàng ở Đông Nam Á
Luận điệu "Made in America" của chính quyền Trump mang lại lợi ích cho Zilingo vì một số thương hiệu Mỹ muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã quyết định lấy hàng trực tiếp từ các nhà máy ở Đông Nam Á.
Chiến lược lấy hàng từ Đông Nam Á giúp các công ty vận chuyển hàng hóa của họ đến Mỹ mà không phải chịu thuế quan cao hơn đối với những sản phẩm tại Trung Quốc. Hơn 4.000 nhà máy hợp tác với Zilingo hưởng lợi từ chiến lược ấy.
Nền tảng trực tuyến Zilingo kết nối hàng loạt nhà máy và nhà cung cấp cho các thương hiệu thời trang. Chuỗi cung ứng của họ cũng bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ như quản lý hàng tồn kho, lập hóa đơn, hậu cần và thanh toán.
Zilingo hưởng hoa hồng khi bất kì một thương vụ môi giới hoặc mua bán diễn ra thành công thông qua nền tảng của công ty.
Mô hình kinh doanh của Zilingo loại bỏ một cách hiệu quả rất nhiều trung gian mà các thương hiệu và nhà máy phải thông qua để hợp tác với nhau. Nó cũng đảm bảo rằng lợi nhuận phân bố đều hơn giữa các nhà cung cấp trong ngành thời trang.
Hiện tại, 80% doanh thu của Zilingo đến từ mô hình hoạt động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), tức là kết nối thương hiệu với các nhà cung cấp phù hợp ở Đông Nam Á, Ấn Độ và Bangladesh.
Dịch vụ B2B của Zilingo vừa xuất hiện tại Mỹ để thu hút nhiều thương hiệu Mỹ sử dụng mạng lưới các nhà cung cấp của công ty.
Zilingo cũng vận hành một dịch vụ thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng tại 6 thị trường thuộc châu Á - Thái Bình Dương - bao gồm Philippines, Indonesia và Thái Lan. Họ bán cả các sản phẩm và mặt hàng có thương hiệu từ các công ty nhỏ hơn ở 6 thị trường này.
Cơ hội để Zilingo lấn sang mảng công nghệ tài chính
Bose nhận định một lý do lớn khiến nhiều nhà máy ở Đông Nam Á và Nam Á hợp tác với Zilingo là công nghệ mà công ty cung cấp cho họ.
"Ở Trung Quốc, hoạt động sản xuất trong các nhà máy hoàn toàn dựa trên nền tảng số, trong khi các quốc gia còn lại thuộc châu Á vẫn đang cố gắng bắt kịp với xu thế", Bose nói.
Việc hỗ trợ các nhà máy vận hành trên cơ sở kỹ thuật số và kết nối các nhà cung cấp và thương hiệu dễ dàng hơn đã giúp Zilingo thu thập dữ liệu quý giá về uy tín của các công ty. Dữ liệu ấy thôi thúc họ thành lập mảng hoạt động về công nghệ tài chính.
Zilingo cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động. Nhiều doanh nghiệp trong số đó không thể vay vốn từ các tổ chức tài chính truyền thống.
Đối với những công ty không thể đáp ứng yêu cầu cho vay của Zilingo, công ty có thể cung cấp dữ liệu tài chính của họ cho những tổ chức cho vay tiềm năng khác.
Nữ doanh nhân Bose tiết lộ Zilingo đang tìm cách tách hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính thành một công ty riêng trong vòng 12 đến 18 tháng tới.
"Các doanh nghiệp không muốn trợ cấp, không muốn chiết khấu. Họ muốn vay vốn, họ muốn có bảo hiểm, họ muốn có một nguồn tài chính bền vững và ổn định cho hoạt động kinh doanh. Khi bạn có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, chẳng có gì tuyệt vời hơn thế", Bose bình luận.