|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

WSJ: Không dễ để một hãng xe có độ nhận diện thương hiệu chưa cao như VinFast có thể chinh phục khách hàng Mỹ

07:33 | 02/08/2022
Chia sẻ
Tờ Wall Street Journal mới đây đã nhận định rằng chưa có một nhà sản xuất ô tô Việt nào từng bán hàng tại Mỹ trong quá khứ, vì vậy không ai dám chắc VinFast sẽ thành công khi tới thị trường này.

Theo tờ Wall Street Journal, Tập đoàn Vingroup đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản, nghỉ dưỡng cho tới trung tâm mua sắm, siêu thị. Giờ đây, tập đoàn hàng đầu Việt Nam đặt tham vọng gia nhập thị trường ô tô Mỹ với công ty con chưa được quá nhiều người dùng quốc tế biết tới mang tên VinFast.

Mở mới các showroom tại Mỹ

Hãng xe Việt đã mở các showroom đầu tiên trên đất Mỹ vào tháng 7 tại California và đang tích cực mở rộng hoạt động ra các bang khác, trong đó có kế hoạch chi 2 tỷ USD trong giai đoạn đầu để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện mới ở Bắc Carolina.

Để hỗ trợ cho sự phát triển, VinFast cũng đã đệ trình các thủ tục giấy tờ lên các cơ quan quản lý tại Mỹ về việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc năm sau, biến VinFast thành công ty mới nhất thể hiện sự thèm khát với thị trường đang ngày càng phát triển này. Trước đó, có rất nhiều startup xe điện cũng đã IPO tại Mỹ.

Craig Westbrook, Giám đốc khách hàng của VinFast chia sẻ trong buổi khai trương chính thức các showroom mới của công ty tại Mỹ: “Chúng tôi đang trên đường thâm nhập thị trường này”.

VinFast bắt đầu với 6 cửa hàng ở California và có kế hoạch mở thêm 20 địa điểm khác ở bang này trong năm nay, trước khi mở rộng sang các bang khác tại Mỹ. Các địa điểm này không bán xe mà hoạt động như một phòng trưng bày, nơi người mua sắm có thể duyệt qua các lựa chọn và làm việc với nhân viên để được đặt hàng trực tuyến.

Bên trong một showroom VinFast tại Mỹ. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN/AGENCE FRANCE-PRESSE/GETTY IMAGES).

VinFast có kế hoạch bắt đầu bán hai mẫu xe thể thao đa dụng chạy điện tại Mỹ: một chiếc SUV hạng trung, VF 8 8, có giá khởi điểm khoảng 41.000 USD và một chiếc xe điện lớn hơn, VF 9, có giá khởi điểm từ 55.000 USD. Người mua ở Mỹ có thể đặt hàng ngay bây giờ và việc giao hàng dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào cuối năm 2022.

Khác với các đối thủ tại Mỹ, VinFast có một mô hình kinh doanh độc đáo, trong đó người mua trả một mức giá cho chiếc xe, nhưng sau đó công ty cho thuê pin với một khoản phí hàng tháng. Công ty cung cấp hai gói đăng ký pin, có giá từ 35 USD đến 160 USD mỗi tháng, tùy thuộc vào nhu cầu của chủ sở hữu, loại pin và kiểu xe. Người dùng cũng có thể thay pin miễn phí khi dung lượng giảm xuống dưới 70% so với dung lượng ban đầu

VinFast cho biết mô hình cho thuê pin này có thể giúp người dùng tiết kiệm từ 15.000 USD đến 20.000 USD khi mua xe, gần ngang với giá bán của nhiều mẫu xe xăng hiện nay. Công ty cũng cho biết họ loại bỏ rủi ro đối với người tiêu dùng vì dịch vụ này bao gồm tất cả chi phí sửa chữa, bảo trì và thay thế, bao gồm cả việc đổi pin.

Giống các nhà sản xuất xe điện khác như Tesla Inc., Rivian Automotive Inc. và Lucid Group Inc., VinFast muốn bán xe trực tiếp cho người tiêu dùng, bỏ qua mạng lưới đại lý truyền thống từ lâu đã trở thành một phần của ngành kinh doanh xe hơi tại Mỹ.

Chinh phục người dùng tại Mỹ, nhiệm vụ không hề đơn giản

VinFast bước vào một cuộc đua tranh giành bởi một loạt công ty sản xuất xe điện mới, bao gồm Rivian, Fisker Inc. và Polestar Automotive Holding UK PLC, những công ty đang bán hoặc có kế hoạch bán các mẫu xe điện tương tự. Hãng xe Việt cũng sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ lâu đời hơn như Tesla và Ford Motor Co., những đơn vị có nhận diện thương hiệu tốt hơn và đang đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng các dòng xe điện của họ.

Những người đứng đầu ngành xe điện cho biết tính đến thời điểm hiện tại, người mua đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đối với xe điện. Họ sẵn sàng chờ đợi hàng tháng, có khi cả năm trời, chỉ để sở hữu một mẫu xe điện mà họ yêu thích.

Các nhà phân tích cho biết, việc thuyết phục người mua xe ở Mỹ bỏ tiền ra sắm xe từ một thương hiệu chưa được phổ biến tại một quốc gia không quá nổi bật về ngành ô tô là điều rất khó. Ngay cả tại quê nhà Việt Nam, VinFast vẫn được coi là một công ty khá nhỏ, mới chỉ bán được 36.000 xe trong năm ngoái, tương đương khoảng 13% tổng số xe bán ra trong nước.

Michelle Krebs, nhà phân tích của Cox Automotive cho biết: “Chúng ta chưa bao giờ thấy một công ty Việt Nam bán ô tô tại Mỹ. Chắc chắn rằng sẽ không ai biết được người Mỹ sẽ đón nhận điều này như thế nào”.

Một số khía cạnh trong chiến lược của VinFast, bao gồm việc cho thuê pin, chưa được kiểm chứng với những người mua xe ở Mỹ. Tất nhiên, không ai rõ liệu những người tiêu dùng tại quốc gia này có chấp nhận VinFast hay không. Ngay kể cả các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, những người đã tìm cách thiết lập mạng lưới bán lẻ ở Mỹ trong nhiều năm, cũng chưa thành công dù đã gây được tiếng vang tại quê nhà, bà Krebs nói thêm.

Ông Westbrook cho biết VinFast cho rằng cuộc chơi về khả năng chi trả của mình sẽ gây được tiếng vang đối với người mua ở Mỹ và chương trình cho thuê pin là chìa khóa để giảm chi phí sở hữu.

Kế hoạch IPO của VinFast có thể là một cách để hãng xe Việt có thêm tiền, nhưng họ cần nhìn vào sự quan tâm của giới đầu tư cho cổ phiếu các công ty xe điện. Giá cổ phiếu startup xe điện đình đám Rivian, công ty được Amazon đầu tư, hiện được giao dịch với mức giá thấp hơn 57% so với thị giá lúc IPO. Trong khi đó, startup Polestar đã không đạt được mục tiêu gây quỹ ban đầu là 995 triệu USD khi công ty cổ phần hóa thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt vào tháng 6.

Vingroup cho biết họ có thể trì hoãn đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của VinFast đến năm 2023 và đã ký các thỏa thuận với Credit Suisse Group AG và Citigroup Inc. để huy động tổng cộng 4 tỷ USD thông qua nợ hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Michael Dunne, CEO ZoZoGo, một công ty tư vấn về xe điện cho biết việc tiếp cận nguồn tiền mặt của nhà đầu tư là một trong những thách thức lớn nhất đối với VinFast.

“Để thành công như Tesla, đòi hỏi phải có khả năng tiếp cận liên tục dòng vốn hàng tỷ USD trong một thập kỷ”, ông Michael Dunne cho biết. Ông Dunne, người gần đây đã đến thăm cơ sở sản xuất của VinFast tại Việt Nam, cho biết công ty đang đầu tư đúng đắn vào công nghệ sản xuất, nhưng thước đo cuối cùng cho sự thành công sẽ là sự đón nhận của người tiêu dùng tại Mỹ.

Doanh Chính