|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khó khăn vẫn chờ đón VinFast trên đất Mỹ

08:58 | 31/07/2022
Chia sẻ
Dù là nhà sản xuất xe điện nội địa đầu tiên của Việt Nam, được đầu tư rất nhiều tiền, song những thứ này chưa thể đảm bảo thành công cho VinFast trên thị trường Mỹ, nơi có rất nhiều đối thủ đáng gờm.

Mới đây, trang tin địa phương Chatham News+ Record của Hạt Chatham, nơi hãng xe Việt VinFast chọn để xây nhà máy sản xuất tại Mỹ đã có bài viết nhận xét rằng khi người dùng ngồi sau tay lái chiếc crossover SUV điện VF 8, họ sẽ có cảm giác như đang sử dụng một chiếc “siêu máy tính”.

Một màn hình hiển thị lớn 15,6 inch chiếm toàn bộ bảng điều khiển trung tâm của chiếc xe 4 cửa, 5 chỗ ngồi và điều khiển gần như mọi thứ khác trong xe từ điều hòa không khí đến cửa sổ trời.

Thiết kế này giúp chiếc xe sánh ngang với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xe điện như Chevy Blazer hay Ford Mach-E, qua đó tạo ra một điểm nhấn trên thị trường xe điện Mỹ.

Đối với người tiêu dùng, VF 8 thậm chí có thể được coi là một chiếc xe hạng sang. Được trang bị động cơ có công suất 348 mã lực, chỉ mất 5,9 giây để tăng tốc từ 0-60 dặm một giờ và đi được quãng đường 260 dặm cho mỗi lần sạc, VF 8 có thể trở thành đối thủ đáng gờm với các dòng xe cùng phân khúc.

Dù vậy, tờ Chatham News+ Record vẫn nhấn mạnh rằng VinFast cỏn phải đối mặt với nhiều thách thức dù đã trở thành nhà sản xuất xe điện nội địa đầu tiên của Việt Nam.

VinFast VF 8, một trong những mẫu xe điện của VinFast cho thị trường Mỹ. (Ảnh: VinFast).

Có tiềm năng nhưng chưa thể tận dụng

Sau khi lái thử các mẫu xe điện tại sự kiện Vingroup Elite Vietnam Tour tuần trước, một số chuyên gia trong ngành review xe cho biết mặc dù VF 8 xếp ngang hàng với các đối thủ nhưng nó lại không có gì quá nổi bật.

Andrew Lambrecht, một người đến từ Charlotte và là cây viết cho Forbes Wheels, cho biết anh đã đo thời gian tăng tốc, rơi vào khoảng gần 7,5 hoặc 8 giây, và cảm thấy có vấn đề với việc tăng tốc và phanh.

“VF 8 cần phải sửa một số lỗi liên quan tới phần mềm để có thể thuyết phục tôi mua nó. Chiếc xe này có tiềm năng trở thành một dòng xe điện tuyệt đẹp, nhưng điều này vẫn chưa trở thành hiện thực”, cây viết của Forebs Wheels cho biết.

Bên cạnh đó, Lambrecht chia sẻ rằng những chiếc xe điện thông thường có thể được lái bằng một bàn đạp vì chúng có thể giảm tốc độ nhanh chóng sau khi người dùng nhấc chân ra khỏi bàn đạp ga. Tuy nhiên, việc thiếu mô-men xoắn trên VF 8 đã khiến điều đó trở nên khó khăn hơn.

Một số người cho biết, hiệu suất phụ của VF 8 có khả năng khiến việc bán xe trở nên khó bán hơn ở thị trường Mỹ. Dù vậy, VinFast và chính quyền Bắc Carolina đã đặt cược lớn vào việc thu hút người dùng Mỹ mua sản phẩm của mình.

Sebastian Blanco, biên tập viên tại Car and Driver cho biết: “Đó sẽ là một đợt bán hàng thực sự khó khăn cho thị trường Mỹ. VinFast cần phải nổi bật so với các đối thủ của họ. VF 8 thực sự là một mẫu xe có tiềm năng, nhưng ít nhất trong giai đoạn tiền sản xuất thì nó vẫn chưa sở hữu điều này”.

Tuần trước, công ty đã thông báo về việc mở 6 showroom trên khắp bang California, và hãng đã có những màn trình chiếu nổi bật tại New York Auto Show để đồng hành với nhà máy sắp tới ở Hạt Chatham.

Michael Smith, chủ tịch Chatham Economic Development Corporation, cho biết đó là dấu hiệu cho thấy cam kết của VinFast. “Đây là tất cả những lời nhắc nhở về mức độ nghiêm túc của công ty trong việc trở thành một nhà sản xuất xe điện thành công tại thị trường Mỹ”, ông Smith chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng VinFast đã thuê các luật sư và công ty hàng đầu cho các dự án tại Mỹ.

Công ty Việt Nam cũng cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào Bắc Carolina cho giai đoạn đầu xây dựng nhà máy. VinFast cũng đã cam kết tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD, kèm theo hơn 1,2 tỷ USD ưu đãi thuế từ Bắc Carolina.

VinFast là một nhà sản xuất ô tô còn non trẻ, kể cả tại quê nhà Việt Nam. Hiện tại, việc nhìn thấy các mẫu xe điện VinFast trên những cung đường tại Việt Nam cũng tương đối hiếm, nhưng việc tăng cường sản xuất vào cuối năm nay là một động thái cho thấy VinFast đang nỗ lực để thúc đẩy cả thị trường trong nước và quốc tế.

Pin

Sức trẻ của công ty cùng với sự tăng trưởng vốn ồ ạt của VinFast là nguyên nhân dẫn đến cả sự phấn khích lẫn hoài nghi về khả năng của doanh nghiệp. Công ty đang bước chân vào một canh bạc: Dịch vụ đăng ký pin xe điện.

Nhằm giúp giảm chi phí mua xe, VinFast đang cung cấp gói bảo hành 10 năm cho bộ phận đắt nhất của xe điện là pin. Người tiêu dùng sẽ có tùy chọn thuê pin từ công ty với một khoản phí nhỏ hàng tháng. Khi thời lượng pin giảm xuống còn 70%, VinFast sẽ cung cấp dịch vụ đổi pin mới.

Đó là một đề xuất độc đáo, đặc biệt trong bối cảnh VinFast chưa có quá nhiều nổi bật so với các nhà sản xuất lâu đời tại Mỹ. Nhưng điều này cũng có thể gây nhầm lẫn. Ý tưởng này dựa trên việc công ty có thể sản xuất nhiều pin hơn một công ty xe điện trung bình, nhưng phép toán không phải lúc nào cũng đúng.

Ví dụ, vào đầu tuần này, Chevy đã công bố mẫu xe điện EV Blazer mới của mình có giá khởi điểm khoảng 45.000 USD. Trong khi đó, giá khởi điểm của một chiếc VF 8 rơi vào khoảng 41.000 USD. Đó là một mức giá gần như bằng nhau. Vậy tại sao, một số người trong chuyến tham quan đã hỏi, liệu người tiêu dùng có trả tiền cho những điều chưa biết về VinFast cùng với dịch vụ đăng ký pin của hãng hay không, khi cả hai đều được bán trên thị trường cho những đối tượng tương tự?

Không nghi ngờ gì nữa, Tập đoàn Vingroup, công ty mẹ VinFast đã đầu tư rất nhiều tiền với mục tiêu hướng ra toàn cầu. Tập đoàn này đã đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD vào hoạt động, thuê mướn và sản xuất. Tuy nhiên, ngay cả khi có nhiều tiền, không có gì đảm bảo cho sự thành công của VinFast.

Trước đó, VinFast cũng đã tìm cách để IPO tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ sự kiện Vingroup Elite Vietnam Tour 2022 vừa qua, bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast toàn cầu cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch cho IPO và chúng tôi cũng lên kế hoạch cho việc không IPO. Chúng tôi có những hoạt động gây quỹ riêng nên chúng tôi vẫn ổn. Chúng tôi sẽ chỉ tiến hành IPO nếu đó là một lựa chọn tốt”.

Chữ “Fast” trong VinFast

Ở Việt Nam, Vingroup là một trong những tập đoàn hàng đầu, tham gia vào nhiều lĩnh vực. Tập đoàn đã tạo ra xe điện, nhà ở cấp cao, trường học và khu nghỉ dưỡng với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, tại Mỹ, VinFast không phải là công ty đầu tiên hoặc duy nhất sản xuất xe điện. Đảm bảo thành công của công ty ở nước ngoài sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với Vingroup.

Tiền bạc và các ưu đãi của chính phủ chắc chắn đem lại lợi thế cho VinFast, nhưng cuối cùng, thành công của công ty phải dựa vào việc người tiêu dùng mua và tin tưởng vào sản phẩm.

“Thông điệp của chúng tôi là sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, với công nghệ tiên tiến. Đó là điều sẽ khiến chúng tôi trở nên khác biệt”, bà Thủy nhấn mạnh. Bên cạnh đó, CEO VinFast toàn cầu cũng cho biết khi mới bắt đầu, mọi người thường nhận xét rằng VinFast có thể là một kẻ “điên” khi tuyên bố có thể sản xuất xe điện trong vòng hai năm. Tuy nhiên, hiện tại, mọi thứ đã chứng minh điều ngược lại.

“Mọi người thường nghĩ nhiệm vụ này là bất khả thi. Suy ngẫm về quá khứ và nhìn về phía hiện tại, chúng tôi rất tự hào và mong muốn có thể biến mọi mục tiêu thành hiện thực tại Mỹ. Chúng tôi có con người, kiến ​​thức và nhiều yếu tố khác”, bà Thủy chia sẻ.

Doanh Chính

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.