|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VinFast nhắm thị trường Philippines sau khi sang Mỹ và châu Âu, sẽ chỉ IPO nếu đó là lựa chọn tốt

10:52 | 27/07/2022
Chia sẻ
CEO VinFast toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết hãng xe đã bắt đầu lập kế hoạch cho thị trường Đông Nam Á và điểm đến dự kiến sẽ là Philippines, nhưng trước mắt VinFast sẽ phải tập trung vào thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.

Sau Mỹ và châu Âu, Philippines sẽ là điểm đến của VinFast

Bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành VinFast toàn cầu, nói với các phóng viên tham dự sự kiện Vingroup Elite Vietnam Tour 2022: “Nơi mà chúng tôi quan tâm là Philippines. Trọng tâm của chúng tôi lúc này vẫn là Mỹ. Chúng tôi sẽ tập trung chính vào khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng chúng tôi cũng bắt đầu lập kế hoạch cho giai đoạn sau”.

Tuy nhiên, đại diện VinFast cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường xe điện Mỹ và châu Âu trước khi mở rộng sang thị trường Đông Nam Á, theo TechNode Global. Việc mở rộng sang các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á sẽ đến ở giai đoạn sau, mặc dù nhà sản xuất xe điện đã bắt đầu nghiên cứu thị trường trong khu vực. 

Hiện tại, trong khu vực Đông Nam Á, ô tô điện của VinFast mới chỉ có mặt tại thị trường quê nhà Việt Nam. “Việc mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác không phải là trọng tâm trước mắt chúng tôi, vì VinFast còn rất nhiều việc phải làm đối với thị trường Bắc Mỹ và châu Âu”, bà Thủy chia sẻ khi được hỏi về mốc thời gian ra mắt xe điện tại thị trường Philippines.

Bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast toàn cầu. (Ảnh: VinFast).

Tháng 9 năm ngoái, Hạ viện Philippines đã thông qua bản dự thảo cuối cùng của Dự luật Hạ viện 10213, còn được gọi là Đạo luật Phát triển Công nghiệp Xe điện, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.

Việc phê duyệt này được coi là một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển hướng sang xe điện của Philippines với mục tiêu trở thành một trung tâm xe điện. Đạo luật cũng hỗ trợ việc phát triển chính sách quốc gia và khuôn khổ quy định nhằm tăng cường mức độ sử dụng xe điện của người tiêu dùng trong nước.

Giữa tháng 7, VinFast, đơn vị thuộc Tập đoàn Vingroup đã công bố đồng thời khai trương 6 cửa hàng VinFast đầu tiên tại California, Mỹ. VinFast có kế hoạch mở hơn 30 cửa hàng tại California, đồng thời tìm cách mở rộng sang các bang khác trên khắp nước Mỹ. Hãng xe Việt sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô truyền thống và các công ty khởi nghiệp bằng hai mẫu SUV chạy hoàn toàn bằng điện (VF 8 và VF 9) cùng mô hình cho thuê pin được nhiều trang đánh giá là độc đáo.

Nhà sản xuất ô tô của Việt Nam cũng đã nhận được gói ưu đãi 1,2 tỷ USD từ chính quyền Bắc Carolina cho dự án sản xuất xe điện tại Mỹ. Cơ sở sản xuất của VinFast sẽ được xây dựng tại Triangle Innovation Point ở Hạt Chatham, Bắc Carolina với tổng vốn đầu tư trong giai đoạn đầu rơi vào khoảng 2 tỷ USD.

Nhà máy sản xuất của VinFast có diện tích khoảng 2.000 mẫu Anh (800 ha), bao gồm 2 khu vực chính: sản xuất - lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện và khu công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp. Nhà máy của VinFast được thiết kế nhằm đạt công suất dự kiến khoảng 150.000 xe/năm và có thể tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động.

Tại châu Âu, vào tháng 6, VinFast cũng đã công bố kế hoạch mở hơn 50 cửa hàng VinFast trên khắp các thị trường Đức, Pháp và Hà Lan. Trước đó, vào tháng 1, VinFast cũng đã thông báo rằng họ đang tìm kiếm một địa điểm sản xuất xe điện tại Đức.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường xe điện Đông Nam Á

Thị trường xe điện Đông Nam Á đang nhìn thấy những tín hiệu tích cực khi các nhà sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc có kế hoạch bắt đầu sản xuất trong khu vực.

Theo Asia Nikkei, ông lớn Hàn Quốc là Hyundai Motor đã bắt đầu sản xuất quy mô toàn bộ tại nhà máy xe điện mới ở Indonesia vào tháng 3, trong khi liên doanh nổi tiếng SAIC-GM-Wuling Automobile của Trung Quốc cũng tiết lộ một mẫu xe điện mini mới dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất tại Indonesia vào cuối năm nay.

Nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc đã ra mắt mẫu xe điện ATTO 3 tại Singapore vào đầu tháng này. Tờ Global Times đưa tin, công ty sẽ tiếp tục thâm nhập thị trường Đông Nam Á để cung cấp các loại xe thân thiện với môi trường hơn.

Cùng khoảng thời gian trên, một nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc là Great Wall Motor (GWM), đơn vị bắt đầu bán xe điện tại Thái Lan vào tháng 11 năm ngoái, cũng thông báo thành lập một công ty con tại Malaysia.

Thậm chí, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông đã thảo luận với Giám đốc điều hành Tesla, tỷ phú Elon Musk về cách nhà sản xuất xe điện có thể xây dựng các cơ sở đầu cuối ở Indonesia, mặc dù chưa có gì được xác nhận.

VinFast hiện đang cung cấp một hệ sinh thái các sản phẩm xe điện tại quê nhà Việt Nam, bao gồm xe máy điện, xe buýt điện và ô tô điện, hệ thống trạm sạc và các giải pháp năng lượng xanh.

“Tôi nghĩ rằng thị trường Đông Nam Á vẫn còn rời rạc. Các bạn cần nhìn nhận mỗi thị trường theo những cách khác nhau bởi nền kinh tế của mỗi quốc gia lại có sự khác biệt. Rất khó để khái quát toàn bộ khu vực Đông Nam Á”, CEO VinFast toàn cầu cho biết.

VinFast sẽ chỉ tiến hành IPO nếu đó là lựa chọn tốt

Về kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tạm thời bị hoãn lại do sự thiếu ổn định trên thị trường, bà Thủy cho biết công ty cũng đã xem xét các phương án tài chính khác.

“Chúng tôi đã có kế hoạch cho IPO và chúng tôi cũng lên kế hoạch cho việc không IPO. Chúng tôi có những hoạt động gây quỹ riêng nên chúng tôi vẫn ổn. Chúng tôi sẽ chỉ tiến hành IPO nếu đó là một lựa chọn tốt”, bà Thủy chia sẻ.

Trong tháng 7, VinFast thông báo đã ký các thỏa thuận tài trợ quốc tế với Credit Suisse và Citigroup để huy động vốn 4 tỷ USD cho việc mở rộng quy mô tại Mỹ. Mỗi thỏa thuận có giá trị tài trợ tối thiểu khoảng 2 tỷ USD, có thể bao gồm vay nợ hoặc các khoản đầu tư riêng của vốn cổ phần.

TechNode Global trích dẫn nguồn tin từ Reuters vào tháng 4 rằng công ty mẹ của VinFast có trụ sở tại Singapore đã nộp đơn xin IPO với các cơ quan quản lý chứng khoán tại Mỹ, tìm cách huy động khoảng 2 tỷ USD từ đợt chào bán.

Một năm trước, các nguồn tin cho biết VinFast đang cân nhắc một đợt IPO có thể định giá công ty vào khoảng 60 tỷ USD. Tuy nhiên, mức định giá đó “có vẻ chưa chắc chắn” trong bối cảnh thị trường hiện tại, theo một nguồn tin của Reuters.

Doanh Chính

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.