|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình xuất ngoại tham vọng của VinFast ẩn chứa nhiều thách thức bởi thị trường Mỹ không dành cho kẻ yếu

10:39 | 25/07/2022
Chia sẻ
Tờ Time đánh giá VinFast đã có một bước đi táo bạo khi tiến vào thị trường Mỹ bởi ngay cả những công ty Trung Quốc, được đầu tư hàng chục triệu USD cho R&D, cũng chưa sẵn sàng làm điều đó.

Tạp chíTime (Mỹ) đã có một bài viết về tham vọng của VinFast trong việc bán xe điện tại Mỹ. Theo đánh giá từ Time, mọi thứ trong tổ hợp nhà máy VinFast ở Hải Phòng đều thuộc vào loại tốt nhất, có nguồn gốc từ những thị trường ô tô phát triển như Đức, Nhật Bản và Thụy Điển. Quá trình tự động hóa đạt tỷ lệ 98% giúp công suất có thể đạt được rơi vào khoảng 250.000 xe/năm.

Giám đốc điều hành VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy từng nói vui rằng ngay cả trung tâm công nghệ Mountain View, California cũng không thể theo kịp tốc độ phát triển “nhanh như chớp” của VinFast.

“Ban đầu, mọi người đều nói rằng việc chế tạo ô tô trong hai năm là điều không thể. Một số người thậm chí còn gọi chúng tôi là “kẻ điên. Nhưng chúng tôi đã tung ra ba mẫu xe chỉ trong vòng 21 tháng", bà Thủy cho biết.

Bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast toàn cầu. (Ảnh: Time).

Thị trường xe điện toàn cầu được định giá 185 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến ​​sẽ tăng 24,5% mỗi năm để đạt giá trị 980 tỷ USD vào năm 2028. VinFast chỉ là một trong rất nhiều doanh nghiệp muốn cạnh tranh miếng bánh này. Hãng xe Việt đã quyết định “xuất ngoại” để thực hiện tham vọng của mình.

Theo đánh giá của Time, việc tiến vào thị trường Mỹ ở thời điểm hiện tại là một thành tích song cũng có nhiều thách thức với VinFast bởi gã khổng lồ Tesla của tỷ phú Elon Musk đang là “số một” tại quốc gia này. Ngay cả Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới hiện tại, vẫn chưa có một hãng xe nào của quốc gia này thử sức tại Mỹ dù đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các nghiên cứu.

Bệ đỡ từ công ty mẹ, tập đoàn Vingroup

Chủ nghĩa hoài nghi là điều dễ hiểu khi nói đến ngành công nghiệp xe điện toàn cầu đang trong tình trạng “tắc nghẽn”. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để một “tân binh” đến từ vùng trũng Đông Nam Á như VinFast có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn khác tại thị trường Mỹ?

Đây là một thách thức lớn, nhưng Tập đoàn Vingroup, công ty mẹ của VinFast, lại không phải là doanh nghiệp bình thường. Vingroup được điều hành bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam hiện tại, có tổng giá trị thị trường đạt 24,4 tỷ USD. Doanh thu năm 2020 của Vingroup chiếm 2,2% GDP cả nước.

\Theo đánh giá của Time, phạm vi hoạt động của Vingroup là một điều gì đó “đáng kinh ngạc”.

Bên trong nhà máy sản xuất của VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: Time).

“Đây là một câu chuyện đáng để quan tâm. Tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào tầm cỡ như vậy”, bà Lê Thu Hương, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Châu Á Perth Hoa Kỳ và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ cho biết.

Vingroup hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như y tế (Vinmec), giáo dục (VinSchool), bất động sản (Vinhomes), mua sắm (VinCom), nghỉ dưỡng (VinPearl),… Giờ đây, mọi người có thể được trải nghiệm di chuyển trên xe điện với VinFast. Trước đó, những chiếc xe VinFast chạy bằng xăng tiên của doanh nghiệp này cũng đã kịp chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với tỷ lệ từ 17% đến 19% thị phần.

Chiến lược cho thuê pin là một nước đi táo bạo

Từ tháng 8 tới đây, VinFast sẽ chuyển sang sản xuất độc quyền xe điện. Công ty cũng chuẩn bị xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở Bắc Carolina và đang tìm kiếm một nhà máy khác ở châu Âu. Nhà máy ở Hạt Chatham dự kiến ​​bắt đầu sản xuất khoảng 150.000 xe điện hàng năm từ tháng 7/2024, đồng thời tạo ra 7.500 việc làm.

Đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử tiểu bang và cho thấy tham vọng của VinFast, đó là “trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới trong 5 đến 10 năm tới”, bà Thủy cho biết.

Mới đây, VinFast cũng đã khai trương 6 showroom tại Mỹ. Hai mẫu xe đầu tiên của hãng dành cho thị trường Mỹ là VF 7 và VF 8. Michael Dunne, người sáng lập công ty theo dõi thị trường ZoZoGo EV miêu tả về hai mẫu xe của VinFast: “Đó là một chiếc xe chắc chắn, không có tiếng kêu và chưa có bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, thị trường Mỹ không dành cho kẻ yếu”.

Bảng điều khiển trên xe điện VF 8 của VinFast. (Ảnh: Time).

VinFast muốn thu hút người mua xe điện ở Mỹ bằng một đề xuất độc đáo: Bảo hành 10 năm và giá đề xuất chưa bao gồm chi phí pin - một thành phần đắt nhất của xe điện. Thay vào đó, người mua sẽ có tùy chọn thuê pin từ công ty với một khoản phí nhỏ hàng tháng. Khi thời lượng pin giảm xuống còn 70%, khách hàng sẽ được đổi pin mới miễn phí.

Yale Zhang, một nhà phân tích ngành ô tô tại Thượng Hải cho biết: “Các nhà đầu tư thực sự thích ý tưởng kinh doanh này. Vấn đề ở đây là nguồn cung pin phải được tăng lên để ý tưởng kinh doanh này đạt hiệu quả”.

Theo Time, đây là một nước đi táo bạo trong lĩnh vực có nhiều sự cạnh tranh. Cho đến nay, Vingroup đã đầu tư 6,6 tỷ USD vào VinFast và tập hợp một đội ngũ lãnh đạo từ các công ty lớn như Ford, Renault, GM và BMW.

Công ty cũng nhận được sự ủng hộ từ những người nổi tiếng, nổi bật trong số đó phải là Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã gọi VinFast là “ví dụ mới nhất cho chiến lược kinh tế của Mỹ”. Trong vòng vài ngày kể từ khi được ông Biden nhắc tên, VinFast cho biết họ đã nhận được 10.000 đơn đặt hàng tại Mỹ.

Hành trình của VinFast tại Mỹ mang nhiều ý nghĩa

Cuộc phiêu lưu của VinFast tại Mỹ gắn liền với các ưu tiên kinh tế và chiến lược của chính phủ Việt Nam nhằm đưa nước ta trở thành nền kinh tế có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 bằng cách tăng cường năng lực sản xuất.

Hiện tại, hầu hết điện thoại thông minh Samsung Galaxy được bán tại Mỹ đều được lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì dựa vào các công ty nước ngoài, ưu tiên của chính phủ Việt Nam là phát triển và xây dựng các doanh nghiệp trong nước vững mạnh, đủ khả năng cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

“Chính phủ Việt Nam muốn các công ty như Tập đoàn Vingroup cùng nhiều doanh nghiệp khác đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia”, ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết.

Doanh Chính

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.