World Cup 2022 không còn là 'mỏ vàng' cho các nhà quảng cáo
World Cup, một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, được tổ chức 4 năm/lần, là nơi thu hút hàng tỷ người xem trên toàn cầu. Chính vì vậy, các nhà quảng cáo cũng không thể bỏ qua cơ hội nhằm tận dụng sự cuồng nhiệt mà giải đấu này đem lại, theo CNN.
Tuy nhiên, World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar lại là một giải đấu khác, nơi các nhà quảng cáo không còn quá hào hứng như những giải đấu trước. Những tranh cãi về quá trình chuẩn bị cho giải đấu của nước chủ nhà Qatar cũng như một số luật lệ tại quốc gia này đã khiến giải đấu năm nay có những thông tin không mất tích cực.
Liz Duff, người đứng đầu bộ phận thương mại và hoạt động của Total Media, một công ty có trụ sở tại London cho biết: “Có những sự lo ngại về vấn đề an toàn thương hiệu xoay quanh giải đấu. Đó là lý do các nhà quảng cáo ưu tiên các đội tuyển tham dự hơn là các địa điểm tổ chức thi đấu”.
Đã có những đội tuyển đầu tiên phải chia tay các nhà tài trợ khi tham gia World Cup 2022. Quyết định trừng phạt các cầu thủ đeo băng tay “OneLove” của FIFA, một tấm bằng có ý nghĩa thúc đẩy sự hòa nhập và chống phân biệt đối xử đã gây ra phản ứng dữ dội.
Sau quyết định trên, chuỗi siêu thị Rewe của Đức đã chấm dứt quan hệ đối tác với hiệp hội bóng đá Đức, đồng thời gọi lệnh cấm này là “tai tiếng” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đang thúc đẩy các công ty cắt giảm ngân sách quảng cáo. Ngoài ra World Cup 2022 được tổ chức trước kỳ nghỉ đông thay vì trong những tháng mùa hè như những vòng chung kết trước khiến các nhà quảng cáo phải thay đổi thứ tự ưu tiên.
Sân khấu lớn nhất của “môn thể thao vua” trở nên lộn xộn
Dù cho có bất kỳ điều gì xảy ra, sự kiện hoành tráng kéo dài một tháng vẫn sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ và các thương hiệu. Dự báo cho thấy các công ty bao gồm Ford, T-Mobile, Coca-Cola và Samsung có thể chi 2 tỷ USD cho các chương trình khuyến mãi liên quan tới giải đấu năm nay.
Thật dễ dàng để biết lý do tại sao các doanh nghiệp lại quan tâm tới World Cup. Năm 2018, vòng chung kết World Cup được tổ chức tại Nga đã thu hút kỷ lục 3,6 tỷ người xem. Trong đó, có hơn 1,1 tỷ người đã xem trực tiếp trận chung kết.
Với mức độ tương tác cao như vậy, các công ty rất mong muốn tận dụng cơ hội để quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình. Chẳng hạn, Coca-Cola đã tung ra một chiến dịch quảng cáo có tên “Believing is Magic” cho thấy một người phụ nữ đang uống Coke đột nhiên bị cuốn vào một bữa tiệc lớn trên đường phố.
Nhà sản xuất đồ thể thao Nike đã tưởng tượng các nhà khoa học sẽ cùng nhau tạo ra một đa vũ trụ, nơi những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại có thể đối đầu với nhau. Chủ sở hữu của Lays Frito-Lay đã hợp tác với David Beckham, Peyton Manning và Mia Hamm để tạo ra một cuộc tranh luận kinh điển: Môn thể thao này được gọi là “Football” hay “Soccer”?
Tuy nhiên, những chiến dịch quảng cáo này phần nào bị ảnh hưởng bởi những tin không hay về quá trình chuẩn bị cho giải đấu năm nay của Qatar và những lùm xùm xoay quanh vấn đề tấm băng “OneLove”. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích lập trường của FIFA về tấm băng “OneLone”, nhấn mạnh rằng bất kỳ hạn chế nào đối với quyền tự do ngôn luận đều “có liên quan”.
Vào cuối tuần qua, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã đưa ra một tràng chỉ trích nhắm vào những người phản đối để bảo vệ nước chủ nhà Qatar, nhấn mạnh đến “sự đạo đức giả” của những người không ủng hộ việc cấm đeo băng “OneLove”
“Các nhà quảng cáo biết rằng khán giả truyền hình sẽ vẫn ở đó, nhưng sẽ chú ý tập trung vào các đội tuy, cầu thủ và những nhà tài trợ ở quê nhà hơn là ủng hộ sự kiện thể thao này”, Mohammed Hamza, nhà phân tích truyền thông tại S&P Global Market Intelligence, cho biết.
Thời gian tổ chức trùng với đợt mua sắm cao điểm cuối năm
Thời điểm diễn ra sự kiện cũng là một yếu tố phức tạp đối với các thương hiệu, vì quảng cáo đang cạnh tranh với các chương trình khuyến mãi hướng đến mùa mua sắm dịp lễ cuối năm.
“Vào những năm trước, Euro hay World Cup thường được tổ chức vào mùa hè. Những kỳ đại hội đó giống như “một hòn đảo giữa đại dương”, Giám đốc bán hàng của ITV Mark Trindler chia sẻ trên một podcast. Ông cho rằng việc tổ chức vào mùa đông sẽ khiến mọi kế hoạch bị đảo lộn.
Dù vậy, dữ liệu ban đầu cho thấy các nhà quảng cáo vẫn sẵn sàng chi tiền. Telemundo, công ty có quyền phát sóng bằng tiếng Tây Ban Nha đối với các sự kiện thể thao ở Mỹ, cho biết rằng họ chỉ còn một vài vị trí quảng cáo còn trốn. Kênh truyền hình này đã thành công trong việc thu hút hơn 20 nhà quảng cáo mới tham gia.
Đài truyền hình Pháp TF1 cho biết vào đầu tháng này rằng họ đang tiến hành các đơn đặt hàng quảng cáo, lưu ý rằng “tính thời vụ” có thể trở thành một lợi ích. Giám đốc điều hành Philippe Denery nói với các nhà đầu tư: “Nhu cầu quảng cáo mạnh hơn vào tháng 11 và tháng 12 so với thời điểm tháng 7, tháng 6”.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế ảm đạm cũng đặt ra câu hỏi về chi tiêu quảng cáo trong thời gian tiếp theo. Đài truyền hình ITV của Anh nói với các nhà đầu tư rằng họ vẫn có thể gia tăng doanh thu từ quảng cáo xuyên suốt giải đấu, nhưng tình hình bất ổn kinh tế hiện tại khiến mọi việc trở nên không chắc chắn.
Cuối cùng, tổng doanh thu cho những nhà phát sóng World Cup có thể phụ thuộc vào việc đội tuyển nào tiến xa hơn. Nếu các đội ở các thị trường hàng đầu tiến xa hơn mong đợi, các thương hiệu có nhiều khả năng muốn chi nhiều hơn cho quảng cáo.