|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

World Bank: Đà suy giảm đã chạm đáy, kinh tế Việt Nam đang phục hồi

21:05 | 12/11/2021
Chia sẻ
Trong báo cáo mới nhất, World Bank nhận định đà suy giảm kinh tế tại Việt Nam đã "chạm đáy". Các chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đều đang khởi sắc.

Sự suy giảm kinh tế đã "chạm đáy"

Trong báo cáo mới công bố ngày 12/11, World Bank cho biết, dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức khi tái khởi động hậu giãn cách kéo dài, các số liệu tháng 10 chứng tỏ sự suy giảm kinh tế đã "chạm đáy. 

Cụ thể, sau khi TP HCM và các tỉnh phía Nam dần dỡ bỏ những biện pháp hạn chế từ đầu tháng 10, các chỉ số di chuyển chính đã tăng trở lại và hoạt động kinh tế dần khởi sắc hơn. Tốc độ phục hồi đặc biệt mạnh mẽ ở các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và hiệu thuốc, quay trở lại gần với mức trước đại dịch.

Hơn nữa, các chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng lên, thu hẹp khoảng cách với mức đạt được cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước và chỉ thấp hơn 1,6% so với tháng 10/2020.

Theo World Bank, các tiểu ngành năng động nhất là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc và giày dép, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại và đồ nội thất, toàn bộ đều đạt mức tăng trưởng hai con số so với tháng 9. 

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng vọt từ 40,2 điểm trong tháng 9 lên 52,1 điểm vào tháng 10, lần đầu tiên vượt ngưỡng trung tính 50 trong 5 tháng, cho thấy điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể.

Báo cáo của World Bank cho biết tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4,4% trong tháng 9 lên 18,1% trong tháng 10 nhờ nước ta nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, tổng doanh thu vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu dịch vụ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4, tiếp tục phục hồi với tốc độ nhanh hơn doanh thu bán lẻ hàng hóa.

Hai chỉ số tăng lần lượt ở mức 44,1% và 14,5% trong tháng 10. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa đạt được mức ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái.

World Bank: Đà suy giảm đã 'chạm đáy', kinh tế Việt Nam đang phục hồi - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Saigoneer).

Liên quan tới cán cân thương mại, số liệu của World Bank cho thấy Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 2,85 tỷ USD trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7% trong khi tăng trưởng nhập khẩu giảm từ 10,2% trong tháng 9 xuống còn 8,1%.

Tính chung 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD. Kết quả tăng trưởng xuất khẩu cũng chỉ ra những thách thức trong việc tái khởi động sản xuất ở một số ngành, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng là thiếu nguyên liệu và lao động. 

Ở diễn biến khác, World bank cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký chậm lại sau chuỗi ba tháng tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, vốn FDI đăng ký đã giảm 47,4%. 

Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, cả nước đã thu hút được 23,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, nhờ các hạn chế đi lại được nới lỏng, giải ngân vốn FDI tiếp tục phục hồi, tăng 10% mặc dù vẫn thấp hơn 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng đầu năm 2021, số vốn FDI thực hiện giảm 4,1%.

Lạm phát giảm nhẹ dù giá nhiên liệu tăng

Theo báo cáo của World Bank, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,2% trong tháng 10, sau khi sụt 0,6% trong tháng 9. Chi phí nhóm giao thông tăng 2,1% do giá nhiên liệu tăng, bao gồm giá xăng (tăng 6,7%) và giá dầu diesel (tăng 8,7%). 

Tuy nhiên, đợt tăng giá năng lượng này đã được bù đắp bởi giá lương thực, thực phẩm tiếp tục đi xuống, giảm 1,3%, chủ yếu là do nguồn cung thịt tồn đọng nhiều trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 

World Bank nhận định, do nhu cầu trong nước vẫn yếu, lạm phát cơ bản, chỉ số giá không bao gồm lương thực - thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cũng giảm 0,17%. So với một năm trước, CPI chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong ba tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4%.

Bên cạnh đó, World Bank nhận thấy tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã ổn định trở lại sau một thời gian ngắn giảm tốc nhờ nền kinh tế phục hồi. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,2% trong tháng 10, tương đương với tốc độ của tháng 9. 

Điều đó phản ánh sự phục hồi của các hoạt động kinh tế sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ, World Bank nhấn mạnh. Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng đối với khu vực dịch vụ (chiếm hơn 60% tổng tín dụng đối với nền kinh tế) đã ổn định ở mức 15,6% trong tháng 10 sau khi giảm liên tục từ mức 18,3% trong tháng 5. 

Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng giữ nguyên ở tốc độ tăng trưởng khoảng 12,7% kể từ tháng 7/2021, nhưng vẫn cao hơn so với trước đại dịch. Với nhu cầu tín dụng đang phục hồi, lãi suất qua đêm liên ngân hàng chững lại ở mức bình quân 0,65%, tương tự như mức ghi nhận vào tháng 9, chấm dứt xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 7 năm nay.

Một tín hiệu đáng mừng khác được World Bank chỉ ra là ngân sách nhà nước tháng 10 ghi nhận thặng dư sau ha tháng thâm hụt. Cụ thể, cân đối thu, chi ngân sách nhà nước thặng dư 28 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD) trong tháng 10 do tổng chi giảm 18,8%, mặc dù tổng thu cũng giảm 9,3%. 

Chi tiêu công giảm ở cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, lần lượt sụt 25,7% và 14,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm, ngân sách thặng dư 74,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD), với tổng chi giảm 8,8% trong khi tổng thu tăng 7,6%. 

Với vốn đầu tư công giải ngân chậm, Chính phủ chỉ vay mức vốn khiêm tốn 15,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 0,67 tỷ USD) trên thị trường trong nước trong tháng 10, nâng tổng vay nợ tính từ đầu năm lên 264,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 14,4 tỷ USD), tương đương 75,5% kế hoạch năm. 

Thanh khoản dồi dào tiếp tục giữ chi phí vay ở mức thấp, với lợi suất trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp tăng nhẹ 3 điểm cơ bản lên 2,15% vào cuối tháng 10, World Bank cho biết thêm.

Yên Khê

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.