WHO thành lập trung tâm sản xuất vắc xin COVID-19 ở Nam Phi
Với sự gia tăng mạnh mẽ số ca mắc mới COVID-19 ở châu Phi và sự thiếu hụt vắc xin tại lục địa đen, Nam Phi đã được chọn là nơi tổ chức trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 mRNA đầu tiên của WHO, để mở rộng quy mô sản xuất và tiếp cận vắc xin. Công nghệ này hiện được hai hãng dược Pfizer và Moderna áp dụng thành công.
Đây sẽ là cơ sở đầu tiên trong một loạt các trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA mà WHO đang triển khai trên toàn thế giới, để tăng cường nguồn cung cấp vắc xin COVID-19. Đến nay, hai công ty Nam Phi là Afrigen Biologics (đơn vị phát triển sản phẩm) và Biovac (nhà sản xuất), đã đăng ký tham gia sáng kiến này. Cả hai sẽ đồng hành cùng một mạng lưới các trường đại học, hợp tác với WHO và Trung tâm Kiểm soát, Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC châu Phi).
WHO mô tả trung tâm này là cơ sở đào tạo cho các nhà sản xuất từ những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời sẽ cung cấp giấy phép cần thiết cho công nghệ sản xuất vắc xin.
"Tôi vui mừng thông báo rằng WHO đang thảo luận với một nhóm các công ty và tổ chức để thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ ở Nam Phi. Đây là thông tin tuyệt vời, đặc biệt với châu Phi, nơi có ít khả năng tiếp cận vắc xin nhất", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO - cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi đây là một bước đi lịch sử trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại lục địa đen. Đồng thời, mong đợi trong vòng 9 đến 12 tháng tới, vắc xin sẽ được sản xuất ở châu Phi.
Nam Phi cùng với Ấn Độ, đang đi đầu trong chiến dịch kêu gọi các công ty dược từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, chia sẻ công nghệ của họ đối với vắc xin và phương pháp điều trị COVID-19 để nhanh chóng chấm dứt đại dịch. Việc thiếu năng lực sản xuất ở châu Phi được xem là một trong những rào cản đối với kế hoạch tiêm chủng trên diện rộng ở châu lục này.