|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc của Trung Quốc: Trung bình 18 triệu liều mỗi ngày, cuối năm 980 triệu dân được tiêm

15:51 | 21/06/2021
Chia sẻ
Kể từ khi tăng cường sản xuất vắc xin COVID-19 vào tháng 5, Trung Quốc tiêm trung bình 18,25 triệu mũi mỗi ngày trong tháng 6 và đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% trong tổng số 1,4 tỷ dân trước tháng 7, đồng thời đạt ít nhất 70% số lượng người cần tiêm vào cuối năm nay.

Khi vắc xin COVID-19 được phân phối rộng rãi ở các điểm tiêm chủng công cộng ở Thẩm Dương (Trung Quốc) hồi cuối tháng 4. Li Tingting thấy rằng không cần thiết phải đăng ký tiêm. Nơi cô sinh sống không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng nào trong suốt nhiều tháng, hơn nữa, vì làm nội trợ, cô cũng chỉ ra khỏi nhà để mua đồ thiết yếu từ những khu chợ ngoài trời. Li cho rằng với hoạt động di chuyển như vậy, rủi ro mắc COVID-19 rất thấp, đeo khẩu trang cũng chỉ mang tính hình thức.

Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, Li thay đổi quyết định khi thành phố phát hiện ba ca nhiễm mới. Nhiều người từng cảm thấy không cần thiết phải tiêm chủng như Li, cũng đã thay đổi suy nghĩ. Tuy nhiên cả ba lần đến điểm tiêm chủng, Li đều phải quay về.

"Tôi đều đến trước 10h sáng, nhưng khi đó có ít nhất 500 người xếp hàng trước tôi. Một số phụ nữ lớn tuổi còn xếp hàng từ 5h sáng tinh mơ. Không đủ vắc xin cho tất cả mọi người", Li nói.

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc của Trung Quốc: Trung bình 18 triệu liều mỗi ngày, cuối năm 980 triệu dân được tiêm - Ảnh 1.

Trong tháng 6, Trung Quốc tiêm trung bình 18,25 triệu mũi mỗi ngày. (Ảnh minh họa: Lau ka-kuen).

Cảnh tượng người dân xếp hàng dài chờ tiêm vắc xin diễn ra trên khắp Trung Quốc. Một số người thậm chí còn di chuyển đến các thành phố khác để đạt được mục đích tiêm chủng.

"Mức độ quan tâm của người dân với vắc xin COVID-19 tăng nhanh đột biến cho thấy Trung Quốc đang đi đúng hướng trong cuộc đua tiêm chủng cho toàn dân, hướng tới mở cửa trở lại biên giới", SCMP nhận định.

Kể từ khi tăng cường sản xuất vắc xin COVID-19 vào tháng 5, Trung Quốc tiêm trung bình 18,25 triệu mũi mỗi ngày trong tháng 6 và đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% trong tổng số 1,4 tỷ dân trước tháng 7, đồng thời đạt ít nhất 70% số lượng người cần tiêm vào cuối năm nay.

Hôm qua 20/6, giới chức y tế Trung Quốc cho biết số liều vắc xin COVID-19 được triển khai ở nước này đã vượt mốc 1 tỷ, chiếm hơn 1/3 số liều vắc xin đã được tiêm trên toàn thế giới.

Tốc độ tiêm chủng tại Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Nước này hiện mất khoảng 6 ngày để tiêm cho 100 triệu dân, so với khoảng 25 ngày trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng đại trà.

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc của Trung Quốc: Trung bình 18 triệu liều mỗi ngày, cuối năm 980 triệu dân được tiêm - Ảnh 2.

Số liều vắc xin COVID-19 được triển khai ở Trung Quốc đã vượt mốc 1 tỷ, trong khi đó tổng số liều của cả thế giới khoảng hơn 2,6 tỷ liều.

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc của Trung Quốc: Trung bình 18 triệu liều mỗi ngày, cuối năm 980 triệu dân được tiêm - Ảnh 3.

Trung Quốc hiện đứng thứ 8 trong số các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 trên 100 dân cao nhất thế giới.

Chiến dịch tiêm chủng từng tiến triển chậm một phần vì sự hoài nghi của công chúng về vắc xin. Một cuộc khảo sát gần đây của công ty dữ liệu Morning Consult cho thấy 54% những người được phỏng vấn không chắc chắn về việc có nên tiêm vắc xin hay không và đều lo ngại về tác dụng phụ.

Sau các đợt bùng phát ở địa phương, bao gồm cụm dịch nghiêm trọng ở thành phố Quảng Châu và xung quanh tỉnh Quảng Đông, nơi hơn 100 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận kể từ cuối tháng 5, chiến dịch tiêm chủng tại Trung Quốc bắt đầu tăng tốc.

Theo SCMP, các chuyên gia cho biết nhu cầu tiêm vắc xin tăng cao không có nghĩa là công chúng không còn nghi ngờ. Nhiều người đã gạt sang một bên những lo ngại của mình về vắc xin COVID-19 trong bối cảnh dịch bùng phát ở các tỉnh Liêu Ninh, An Huy và Quảng Đông.

Một lý do khác nữa là các hãng dược Trung Quốc đến nay mới chỉ công bố rất ít thông tin về hiệu quả của các loại vắc xin. Trong 7 loại vắc xin được phê duyệt sử dụng tại đây, mới có duy nhất một loại đã công bố dữ liệu của các thử nghiệm giai đoạn 1, 2 và 3. Ngoài ra, cũng không có thông tin các loại vắc xin có thể chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Giáo sư Jin Dongyan, nhà virus học từ Đại học Hong Kong, cho biết dù vẫn còn sự hoài nghi và miễn cưỡng trong tiêm vắc xin COVID-19, nhưng Bắc Kinh sẽ luôn có cách để khuyến khích và huy động người dân tham gia tiêm chủng.

Trước đó, hôm 1/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 do Công ty Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc sản xuất để đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc của Trung Quốc: Trung bình 18 triệu liều mỗi ngày, cuối năm 980 triệu dân được tiêm - Ảnh 4.

Người dân đứng trước một điểm tiêm chủng ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP).

Khi sắp đến hạn phải đạt được mục tiêu tiêm chủng 40% dân số, Trung Quốc đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến khích tiêm chủng, đặc biệt với những khu vực không có dịch bùng phát như tặng phiếu giảm giá, đồ dùng thiết yếu.

Bên cạnh đó, có những trường hợp buộc phải tiêm vắc xin như nhóm người làm việc trong cơ quan nhà nước, cơ quan chính phủ hoặc khu vực dịch vụ thiết yếu.

Hơn nữa, một số vùng tại Trung Quốc cũng đưa ra những hạn chế đối với nhóm người chưa tiêm vắc xin COVID-19. Như ở tỉnh Hà Bắc, hồi đầu tháng, tỉnh này ra thông báo những người chưa từng đến khu vực có COVID-19 và có giấy chứng minh đã tiêm chủng mới được đến các địa điểm công cộng, bao gồm bệnh viện, siêu thị, nhà hàng và rạp chiếu phim.

Một số trung tâm mua sắm và các tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng cố gắng hạn chế lượng người ra vào, chỉ cho phép những người đã tiêm phòng. Tuy nhiên hạn chế này sau đó được dỡ bỏ.

Alex Cook, phó giáo sư Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore cho biết có nhiều cách để xây dựng niềm tin của công chúng vào vắc xin. Ví dụ như cung cấp thông tin minh bạch về rủi ro và lợi ích của việc tiêm chủng, bao gồm các tác dụng phụ phổ biến và hiếm gặp, và cả những rủi ro của việc không tiêm chủng.

Quay trở lại câu chuyện chưa được tiêm vắc xin của Li Tinging ở Thẩm Dương. Cô cho biết vẫn đang chờ đợi cơ hội để được tiêm một liều vắc xin trong nước. Hiện chính quyền địa phương đang thực hiện kế hoạch tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm trước đó. "Tôi sẽ thử vận may của mình vào tháng 7 tới đây khi có chương trình tiêm mới", Li nói.

Anh Đào

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.