|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Warren Buffett nhận lương 100.000 USD, trợ lý nhận 16 triệu USD

12:14 | 16/03/2021
Chia sẻ
Trong suốt 25 năm qua, Warren Buffett và người bạn thân Charlie Munger đều nhận lương 100.000 USD/năm cho vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway.
Warren Buffett nhận lương 100.000 USD, trợ lý nhận 16 triệu USD - Ảnh 1.

Tỷ phú Warren Buffett - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Berkshire Hathaway. (Ảnh: Bloomberg).

Theo báo cáo Berkshire Hathaway gửi cơ quan quản lý ngày 15/3, Chủ tịch Warren Buffett và Phó Chủ tịch Charlie Munger mỗi người nhận lương 100.000 USD trong năm 2020.

Ngoài ra, Buffett có thêm khoản phụ cấp hơn 280.000 USD để đảm bảo an ninh cá nhân ông cũng như của ngôi nhà ông ở. Munger không có khoản trợ cấp nào.

Lương của Warren Buffett và Charlie Munger giữ nguyên ở mức 100.000 USD trong suốt 25 năm qua, hai ông cũng không nhận bất kỳ khoản thưởng bằng tiền mặt hay cổ phiếu nào.

Chênh lệch thu nhập giữa Warren Buffett và nhân viên

Theo ước tính của Berkshire, tổng thu nhập một năm của Chủ tịch kiêm CEO Warren Buffett cao gấp 5,55 lần thu nhập trung vị của nhân viên toàn tập đoàn. Cả thu nhập của Buffett cũng như chênh lệch với nhân viên của ông đều thấp hơn đáng kể so với lãnh đạo các tập đoàn lớn khác.

Chẳng hạn năm 2019, Elon Musk - CEO của hãng xe điện Tesla có tổng thu nhập 595 triệu USD, Tim Cook - CEO của Apple nhận về 133 triệu USD.

Theo thống kê của Viện Chính sách kinh tế (EPI) trụ sở tại Washington, CEO tại 350 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ về doanh thu có thù lao lớn gấp hơn 300 lần so với nhân viên trung vị. 

(Nhân viên trung vị - median employee – là người có thu nhập ở chính giữa danh sách lương của công ty, một nửa số lao động có thu nhập thấp hơn mức trung vị và một nửa cao hơn mức trung vị).

Warren Buffett nhận lương 100.000 USD, trợ lý nhận 16 triệu USD - Ảnh 2.

Mẫu khảo sát gồm 350 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ về doanh thu, trung bình mỗi CEO nhận 21,3 triệu USD năm 2019.

Tuy có thu nhập khiêm tốn nhưng tài sản ròng của Warren Buffett lại thuộc loại cực khủng, vượt mốc 100 tỷ USD trong tuần trước mặc dù ông đã cho đi hết sức hào phóng vì mục đích thiện nguyện. 

Cả thế giới hiện chỉ có 5 người khác có khối gia tài trên 100 tỷ Mỹ kim là Jeff Bezos (Chủ tịch Amazon), Elon Musk (CEO Tesla), Bill Gates (Nhà sáng lập Microsoft), Bernard Arnault (Chủ tịch LVMH) và Mark Zuckerberg (Chủ tịch Facebook).

Hai trợ lý cấp cao nhất của Buffett là Greg Abel và Ajit Jain mỗi người nhận lương 16 triệu USD/năm trong ba năm 2018 – 2020. Năm ngoái, mỗi ông được thưởng 3 triệu USD và có phụ cấp 14.250 USD. Như vậy, tổng thu nhập trong năm ngoái của mỗi ông là 19.014.250 USD, tăng 250 USD so với năm 2019.

Tập đoàn Berkshire Hathaway hiện nay đang sở hữu hơn 60 công ty hoạt động độc lập trong nhiều lĩnh vực từ bảo hiểm xe cộ (Geico) đến đường sắt (BNSF) hay sản xuất kẹo (See's Candies). Tổng số lao động là khoảng 360.000 người.

Các công ty thành viên có mức độ độc lập rất cao và Warren Buffett rất ít khi can thiệp vào hoạt động điều hành. Trụ sở chính của Berkshire Hathaway chỉ thuê tổng cộng 26 lao động – một con số nhỏ không tưởng với tập đoàn có vốn hóa 590 tỷ USD.

Cấu trúc doanh nghiệp đặc biệt, khó áp chuẩn chung

Berkshire Hathaway đang phản đối hai đề xuất của cổ đông liên quan tới biến đổi khí hậu và đa dạng nhân sự, viện lý do là cấu trúc đặc biệt của tập đoàn này.

Hội đồng quản trị của Berkshire công nhận rằng công ty cần phải quản trị rủi ro khí hậu một cách có trách nhiệm và duy trì một lực lượng lao động đa dạng, bao gồm nhiều đối tượng. 

Tuy nhiên, ban lãnh đạo chỉ ra rằng Berkshire vận hành trên cơ sở phi tập trung, mỗi công ty thành viên được quyền giải quyết mọi vấn đề theo cách phù hợp nhất theo tình hình riêng và đặc thù từng ngành.

"Chúng tôi muốn các nhà quản lý của mình làm điều đúng đắn và vì vậy chúng tôi cho nhà quản lý quyền tự do hành động rất lớn", Berkshire Hathaway viết trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). "Nhất quán với mô hình hoạt động của chúng tôi, mỗi công ty con tự chịu trách nhiệm trong việc xác định và quản trị các rủi ro cũng như cơ hội gắn với từng ngành kinh doanh, bao gồm cả các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu".

Báo cáo còn có đoạn: "Các mảng hoạt động của Berkshire thuộc nhiều ngành kinh tế khác nhau ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả thế giới. Việc yêu cầu báo cáo định lượng theo một chuẩn mực chung để so sánh các ngành khác nhau ở các quốc gia khác nhau là không hợp lý".

Năm 2016, Berkshire cũng đã bác bỏ một yêu cầu liên quan tới việc báo cáo cụ thể hơn về rủi ro biến đổi khí hậu đối với mảng kinh doanh bảo hiểm của công ty.

Đức Quyền