Với mục tiêu giúp xã hội tốt đẹp hơn, tỉ phú Michael Bloomberg có thể tác động tới một số ngành nếu đắc cử
Hôm 24/11, tỉ phú Michael Bloomberg đã chính thức gia nhập cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Mặc dù ông chưa đưa ra kế hoạch tranh cử chi tiết, kinh nghiệm 12 năm làm Thị trường thành phố New York cùng bề dày hoạt động từ thiện vì mục đích chính trị có thể tiết lộ về các ngành tỉ phú này quan tâm và có khả năng chịu ảnh hưởng nếu ông đắc cử.
Súng và đạn
Ra đời vào năm 2014 với sự hỗ trợ của ông Michael Bloomberg, Everytown for Gun Safety đã trở thành tổ chức có tiếng nói quan trọng trong cuộc chiến chống lại luật hợp pháp hóa việc sử dụng súng.
Theo CNBC, Everytown for Gun Safety đã nêu ra một số vấn đề mà họ xem là nguyên nhân chủ chốt để Mỹ hạn chế bạo lực súng đạn, gồm các lỗ hổng trong quá trình kiểm tra lí lịch và hạn chế buôn bán súng trái phép giữa các bang có qui định về súng lỏng lẻo.
Tỉ phú Bloomberg đã cam kết chi ít nhất 50 triệu USD để hỗ trợ Everytown for Gun Safety.
Ông Bloomberg chụp hình cùng tổ chức Mom's Demand Action, một nhánh con của Everytown for Gun Safety. Ảnh: MIchael Bloomberg
Gần đây, Everytown for Gun Safety đã chi 2,5 triệu USD trong cuộc bỏ phiếu tại tiểu bang Virginia, giúp các ứng viên Đảng Dân chủ nắm toàn quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện của bang lần đầu tiên kể từ năm 1994.
Kiểm soát súng đạn là vấn đề chính trong cuộc bỏ phiếu, sau khi một vụ nổ súng ở Virginia Beach khiến hàng chục người thiệt mạng hồi đầu năm.
Everytown for Gun Safety và một trong các tổ chức trực thuộc, Mom's Demand Action, cũng đã vận động thành công các công ty như Walmart, Kroger và Albertsons thay đổi chính sách buôn, bán súng.
Ngoài các chuỗi bán lẻ lớn, Everytown for Gun Safety còn tiếp cận nhiều thương gia không có giấy phép khác vì nhóm này thường tạo ra lỗ hổng khi không thể kiểm tra lí lịch khách hàng.
Cổ phiếu của một số hãng sản xuất súng như Vista Outdoor's, American Outdoor Brands và Sturm Ruger & Company thường diễn biến ngược chiều trong các cuộc bỏ phiếu đề cập đến cải cách súng đạn. Một vài người yêu thích thích súng sẽ tăng mua hàng dự trữ do lo ngại tổng thống mới sẽ hạn chế buôn bán súng đạn.
Thuốc lá và thuốc lá điện tử
Tổ chức Bloomberg Philanthropies của ông Bloomberg cam kết chi gần 1 tỉ USD kể từ năm 2007 để chống sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới. Vào tháng 9, Bloomberg Philanthropies cho biết họ đang cam kết bổ sung 160 triệu USD để hạn chế thuốc lá điện tử.
Ngành thuốc lá điện tử được xem là một điểm tăng trưởng quan trọng cho nhiều đại gia thuốc lá như Japan Tobacco, British American Tobacco và Altria giữa bối cảnh doanh thu thuốc lá thông thường chững lại.
Hồi tháng 9, Tổng thống Donald Trump từng cho biết chính quyền của ông sẵn sàng ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử có hương vị.
Tuy nhiên trong một cuộc họp với các giám đốc ngành thuốc lá và thuốc lá điện tử cũng như một số tổ chức sức khỏe cộng đồng vào tuần trước, ông Trump lại khiến công chúng lo ngại về hậu quả tiềm năng của việc cấm thuốc lá điện tử có hương vị.
Trên Twitter, tỉ phú Bloomberg viết về những thành tựu của bản thân: "Ở thành phố New York, chúng tôi tăng lương cho giáo viên nhiều nhất nước Mỹ; nâng tỉ lệ tốt nghiệp lên 42%; cấm hút thuốc lá tại quán bar và nhà hàng; cắt giảm tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc xuống 50%; cắt giảm mức phát thải khí CO2 xuống 14%; giảm tỉ lệ giết người xuống một nửa; giảm tỉ lệ ngồi tù xuống 40%; và xây dựng một chương trình mới để chống lại đói nghèo.
Năng lượng
Ông Bloomberg thành lập Beyond Carbon vào đầu năm nay. Tổ chức trị giá 500 triệu USD ra đời nhằm ủng hộ cải cách năng lượng.
Beyond Carbon khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời thay vì nhiệt điện. Ngoài ra, tổ chức còn cổ vũ việc sử dụng xe điện thay vì xe chạy nhiên liệu hóa thạch.
Beyond Carbon tuyên bố họ "đang nỗ lực để đưa Mỹ đi lên con đường trở thành một nền kinh tế sử dụng 100% năng lượng sạch" mà không đưa ra một khung thời gian cụ thể cho mục tiêu đó.
Ngoài các hãng dầu mỏ, mối quan tâm của ông Bloomberg với năng lượng sạch còn có thể tác động sâu hơn đến ngành công nghiệp khai thác than khi mà ngành này cũng đang chịu ảnh hưởng do nhu cầu trên toàn thế giới đi xuống.
Ít nhất 7 nhà máy than đá đã phá sản trong năm nay và có hàng chục nhà máy than đá khác đóng cửa trong vài năm qua.
Chăm sóc sức khỏe
Phần lớn nỗ lực của ông Bloomberg trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đến từ chiến dịch chống lại bệnh béo phì.
Mặc dù từng thất bại trong việc cấm bán soda tại các nhà hàng ở New York, tỉ phú Bloomberg còn đề xướng đánh thuế đường. Đề xuất của ông vấp phải sự phản đối dữ dội từ Coca-Cola và PepsiCo khi mà hai hãng này cũng đang đối với mặt với áp lực lớn do doanh số tại Mỹ giảm.
Theo trang web chiến dịch của ông Bloomberg, ông "tin mỗi người Mỹ nên có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế giá cả phải chăng và mở rộng chính sách Obamacare và Medicare là cách tốt nhất để hoàn thành mục tiêu trên diện rộng".
Quan điểm này có thể đưa ông đến gần hơn một ứng viên Đảng Dân chủ khác là cựu Phó Tổng thống Joe Biden - người từng cho biết ông muốn cải cách và cải thiện Đạo luật Chăm sóc Phù hợp (ACA) mà ông từng giúp thông qua khi còn đương chức thay vì bỏ qua nó.