Với chiến lược giá rẻ, KiotViet đặt mục tiêu giúp 300.000 doanh nghiệp trong 2 năm tới
Như nhiều nước tại Đông Nam Á khác, nền kinh tế Việt Nam được cấu thành từ rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nhóm doanh nghiệp này đóng góp 40% vào GDP của Việt Nam, KrAsia đưa tin. Các SME đã tạo ra 9 triệu việc làm trong năm 2019.
Tuy nhiên, với qui mô nhỏ, các SME đang gặp khó khăn khi phải đối đầu với những đối thủ đến từ nước ngoài có số vốn lớn.
"Thời gian gần đây, các nhà bán lẻ nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam với lợi thế lớn về tài chính. Các SME đang gặp khó khăn rất lớn khi cạnh tranh với những "ông lớn" trên thị trường", ông Cao Trọng Kim Trí, Phó tổng giám đốc startup KiotViet nhận định.
KiotViet trực thuộc Citigo, công ty ra đời từ năm 2010 với hoạt động cốt lõi là tư vấn phát triển sản phẩm, giải pháp phần mềm và đào tạo lập trình viên.
Năm 2014, các lãnh đạo Citigo nhận thấy các SME trên thị trường đang gặp khó khăn trong quản lí hoạt động và mở rộng kinh doanh. Chính vì thế, KiotViet ra đời nhằm giải quyết các vấn đề đó.
"Tất nhiên trên thị trường vẫn có những nhà cung cấp phần mềm ứng dụng cho doanh nghiệp như Oracle hay SAP. Thế nhưng những phần mềm này không dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra có các phần mềm rẻ tiền khác, nhưng chất lượng lại không đảm bảo. KiotViet thành lập để số hóa mặt hàng tồn kho, qua đó giúp các SME phát triển nhanh hơn", ông Trí cho biết.
Là một startup bán hàng, KiotViet xây dựng các công cụ để theo dõi các giao dịch, hàng tồn kho và hoạt động thanh toán cho các cửa hàng nhỏ. Nền tảng này cũng cung cấp nguồn nhân lực và các tính năng quản lí tiền lương.
Theo tuyên bố của công ty, KiotViet giúp các doanh nghiệp tiết kiệm 40% chi phí. Công ty đã số hóa 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, tương đương 16% thị trường. Đây là một con số ấn tượng với một startup mới huy động 6 triệu USD tới thời điểm hiện tại.
Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần mềm phải đơn giản, dễ sử dụng bởi nhiều người có trình độ kĩ thuật thấp.
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường TechSci Research chỉ rõ thị trường dịch vụ đám mây Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 165 triệu USD vào năm 2018 lên tới 291 triệu USD vào năm 2024. Đương nhiên, KiotViet không phải là cái tên duy nhất trên thị trường và họ sẽ còn phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác.
Một trong những lợi thế cạnh tranh của KiotViet là giá. Công ty cung cấp dịch vụ với giá chỉ từ 180.000 đồng mỗi tháng hoặc 250.000 đồng cho các doanh nghiệp lớn hơn.
Bên cạnh việc kinh doanh bằng cách phân phối phần mềm theo mô hình SaaS, công ty hiện phát triển thêm các sản phẩm mới, tích hợp dịch vụ của bên thứ ba, như nền tảng thương mại điện tử và các đơn vị vận chuyển. Thậm chí, gần đây KiotViet còn ra mắt thêm dịch vụ thanh toán.
Năm 2019, KiotViet đã gọi vốn thành công 6 triệu USD vòng Series A Jungle Ventures và công ty công nghệ du lịch Traveloka của Indonesia. Với sự hợp tác chiến lược với Traveloka, KiotViet bắt tay với các nhà hàng và khách sạn, giúp khách du lịch tăng thêm trải nghiệm khi tới Việt Nam.
Theo kế hoạch, KiotViet sẽ khởi động một vòng gọi vốn mới trong tháng 7 và kết thúc vào tháng 12 năm nay. Trong 2 năm tới, công ty dự kiến sẽ thu hút 300.000 doanh nghiệp đăng kí sử dụng nền tảng.