Vinhomes vượt Vietcombank về vốn hóa, chỉ còn đứng sau Vingroup
Trong phiên 14/6, cổ phiếu VHM của Vinhomes bật tăng 3,7% còn VCB của Vietcombank giảm 0,8%, đưa khoảng cách vốn hóa giữa hai doanh nghiệp xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng.
Sáng 15/6, cổ phiếu VHM tiếp tục diễn biến tích cực khi có lúc tăng 2,6% còn VCB giao dịch trong sắc đỏ, giảm khoảng 0,4%. Vì vậy, vốn hóa Vinhomes đã vọt lên gần 378.500 tỷ đồng giành lấy vị trí số 2 của Vietcombank trên HOSE.
Từ đầu năm 2021 đến nay, VCB chỉ tăng khoảng 4% còn VHM tăng tới gần 26%.
Cặp công ty mẹ-con Vingroup (Mã: VIC) và Vinhomes hiện nay là hai doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất HOSE, tổng vốn hóa khoảng 34 tỷ USD. Theo sau là hai đại gia ngân hàng Vietcombank và VietinBank (Mã: CTG).
Trong top 10 còn có ba nhà băng khác là Techcombank (Mã:TCB), BIDV (Mã: BID) và VPBank (Mã: VPB). Khoảng cách giữa ba mã cổ phiếu đứng đầu với top sau là khá lớn.
Theo tính toán của HOSE, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang có vốn hóa khoảng 176.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 toàn sàn. Một số công ty chứng khoán và các cơ quan báo chí lại ước tính vốn hóa Hòa Phát lên tới khoảng 235.000 tỷ.
Sở dĩ có sự chênh lệch này là do áp dụng công thức tính toán khác nhau. HOSE lấy số cổ phiếu HPG đang niêm yết (hơn 3,31 tỷ đơn vị) nhân với giá mỗi cổ phiếu (khoảng 52.500 đồng/cp) để ra vốn hóa. Còn các tổ chức khác lấy cả số cổ phiếu đang niêm yết cộng với số cổ phiếu mà Hòa Phát mới phát hành (khoảng 1,16 tỷ đơn vị) để trả cổ tức, sau đó mới nhân với giá cổ phiếu.
Tổng số cổ phiếu HPG đang lưu hành là hơn 4,47 tỷ đơn vị, còn số đã niêm yết vẫn là hơn 3,31 tỷ đơn vị. Trong thực tế, số cổ tức dưới dạng cổ phiếu HPG vẫn chưa về tài khoản của nhà đầu tư và vẫn chưa thể giao dịch được.