Vietcombank, VietinBank chưa trả cổ tức, Hòa Phát tạm giữ ngôi đầu vốn điều lệ
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa cho biết: Từ ngày 4/6, tổng số cổ phiếu HPG có quyền biểu quyết đang lưu hành là xấp xỉ 4,473 tỷ đơn vị, tăng gần 1,16 tỷ đơn vị do doanh nghiệp này mới trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%.
Vốn điều lệ của Hòa Phát cũng tăng tương ứng thêm 11.596 tỷ đồng, từ 33.313 tỷ lên 44.729 tỷ.
Với mức vốn cũ, Hòa Phát còn đứng sau các tên tuổi lớn như BIDV (Mã: BID), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR), Vietcombank (Mã: VCB), VietinBank (Mã: CTG), Techcombank (Mã: TCB), Vingroup (Mã: VIC).
Sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất và có nhiều cổ phiếu lưu hành nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Xếp sau Hòa Phát trong top 10 còn có Vinhomes (Mã: VHM), Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) và Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI).
Tuy nhiên, thứ tự trong bảng xếp hạng vốn điều lệ hiện nay chỉ là tạm thời do nhiều ông lớn đang đứng sau Hòa Phát cũng đang có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.
Những ứng viên lăm le vượt lên trên Hòa Phát
BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng trong năm 2021, bao gồm việc trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu - tỷ lệ 5,2%, cổ tức năm 2020 cũng bằng cổ phiếu - tỷ lệ 7%, và chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 341,5 triệu đơn vị BID.
Nếu các kế hoạch trên được hoàn tất, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 48.524 tỷ đồng. Cho dù phương án chào bán 341,5 triệu cổ phiếu không được thực hiện thì vốn của BIDV sau khi chia cổ tức cũng đủ để lớn hơn Hòa Phát.
Một ông lớn ngân hàng khác là Vietcombank có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 27,6%. Tổng số cổ phần dự kiến phát hành là hơn 1,02 tỷ đơn vị, tức là vốn điều lệ sẽ tăng thêm khoảng 10.200 tỷ đồng lên mức 47.300 tỷ, đủ để vượt qua mức vốn của Hòa Phát hiện nay.
Về phần VietinBank, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ là 29,07%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV năm nay.
Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 37.234 tỷ lên gần 48.058 tỷ.
Chưa dừng lại ở đó, VietinBank còn muốn trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,65% tính theo vốn mới, tức là nhà băng này sẽ cần chi 2.400 tỷ đồng tiền mặt và phát hành thêm 608 triệu cổ phiếu CTG.
Tổng cộng, VietinBank dự định phát hành 1,69 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2021, nâng vốn điều lệ thêm 16.900 tỷ đồng.
Đến nay, cả BIDV, Vietcombank và VietinBank đều chưa xác định được ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu nên vốn điều lệ của ba đại gia ngân hàng này khó có thể chính thức tăng lên trong vòng 1-2 tháng tới.
Techcombank không có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành cho đối tác chiến lược, chỉ dự định phát hành 6 triệu cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi cho cán bộ nhân viên. Vốn điều lệ ước tính tăng thêm 60 tỷ đồng.
Vingroup và công ty con là Vinhomes đều có kế hoạch trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với khối lượng phát hành tương ứng là khoảng 423 triệu và 987 triệu đơn vị. Tuy nhiên, số cổ phiếu tăng thêm vẫn không đủ để Vingroup và Vinhomes vượt qua Hòa Phát về vốn điều lệ.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết việc phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ thể hiện sự cam kết của cổ đông đối với tập đoàn; qua đó giúp Hòa Phát thuận lợi hơn trong việc đề xuất các dự án lớn, điển hình như giai đoạn 2 của Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất, Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng.