Dự án 85.000 tỷ của Hòa Phát: Quảng Ngãi xem xét cấp chủ trương đầu tư trước 20/6
Tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang vận hành một khu liên hợp sản xuất gang thép với tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng, công suất 5 triệu tấn thép/năm.
Ban lãnh đạo Hòa Phát nhận thấy nhu cầu thép trong nước vẫn còn rất lớn, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn thép từ Trung Quốc và các nước khác.
Vì vậy, Hòa Phát lên kế hoạch đầu tư dự án Dung Quất giai đoạn 2 với tổng nguồn vốn 85.000 tỷ đồng, công suất 5,6 triệu tấn mỗi năm. Tập đoàn cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa dự án vào hoạt động trong vòng 36 tháng kể từ khi được bàn giao mặt bằng sạch và cấp giấy phép xây dựng.
Ba yêu cầu với Hòa Phát
Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh chiều 4/6 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết cơ quan này đã tham vấn ý kiến của 16 sở ngành địa phương và các bộ ngành Trung ương, thủ tục cấp chủ trương đầu tư đã cơ bản hoàn thành.
Vấn đề còn lại là điều chỉnh cục bộ phần diện tích 4,69 ha, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Đài Truyền hình Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND Đặng Văn Minh đánh giá Dung Quất 2 với quy mô đầu tư 85.000 tỷ đồng là dự án cực kỳ lớn. Nếu được triển khai, dự án này sẽ chiếm quá nửa nguồn vốn huy động toàn xã hội mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đặt ra và đóng góp lớn vào ngân sách, giải quyết việc làm cho tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ tịch Đặng Văn Minh đề nghị các sở ngành khẩn trương giải quyết các vướng mắc còn lại theo đề xuất kiến nghị của chủ đầu tư.
Về phía Tập đoàn Hòa Phát, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện được ba việc:
Thứ nhất, dự án phải đảm bảo tuyệt đối về môi trường.
Thứ hai, tất cả cam kết của Hòa Phát liên quan tới giải quyết các vấn đề tại địa bàn dự án phải được thực hiện nghiêm túc, không để mất uy tín với chính quyền và nhân dân địa phương.
Thứ ba, trong khả năng cho phép, Hòa Phát nghiên cứu hỗ trợ cho nhân dân trong vùng dự án về giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác, làm sao đảm bảo cho người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn so với khi chưa có dự án.
Ông Minh cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh sớm tham mưu văn bản cho ban cán sự Đảng UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho ý kiến vào ngày 10/6 tới. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thì UBND tỉnh sẽ thống nhất cho Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cấp chủ trương đầu tư cho dự án Hòa Phát Dung Quất 2 trước ngày 20/6/2021.
Băn khoăn về lao động và môi trường
Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 1 hiện nay sử dụng hơn 11.000 lao động, trong đó trên 90% là người tại địa phương. Số còn lại đến từ Khu Liên hợp Hòa Phát Hải Dương và các nơi khác. Dung Quất giai đoạn 2 dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 7.500 lao động.
Ngoài nhà xưởng để sản xuất thép, Hòa Phát cũng xây dựng thêm cảng nước sâu cho các tàu cỡ lớn chở nguyên vật liệu và thành phẩm. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ đầu tư một nhà máy điện nhiệt dư (phát điện bằng khí thoát ra từ lò cao) công suất 5x60MW.
Nhà máy nhiệt điện này đi vào hoạt động sẽ đáp ứng khoảng 83% nhu cầu của khu liên hợp, phần điện còn lại được cấp từ lưới 110kV quốc gia.
Một khu liên hợp gang thép khác của Hòa Phát tại tỉnh Hải Dương hiện nay tự chủ khoảng 85-90% nhu cầu điện nhờ hệ thống phát điện nhiệt dư.
Việc tận dụng khí nóng thoát ra từ lò cao để phát điện vừa giúp Hòa Phát tiết kiệm chi phí sản xuất và tự chủ nguồn năng lượng, vừa giảm thiểu phát thải ra môi trường.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch HĐQT Trần Tuấn Dương cho biết hoạt động sản xuất thép nói riêng và công nghiệp nặng nói chung chắc chắn có ảnh hưởng tới môi trường, đó là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, ông Dương khẳng định Hòa Phát luôn đạt và vượt các tiêu chuẩn an toàn môi trường theo quy định của pháp luật. Số liệu liên quan tới chất lượng môi trường tại Hòa Phát Dung Quất liên tục được gửi tới các cơ quan chức năng theo thời gian thực (real time) chứ không phải thỉnh thoảng mới có đoàn kiểm tra, ông Dương nói thêm.