|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vingroup đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất 100 triệu điện thoại/năm, sắp cho ra đời máy tính bảng

06:30 | 10/05/2019
Chia sẻ
Thông tin từ bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast, ngoài điện thoại thì Vinsmart còn sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, TV, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.

"Làm đúng sẽ không sợ xuất phát muộn"

Hơn 10 năm trước đây, trong số 10 công ty lớn nhất thế giới chỉ có một công ty duy nhất chuyên về công nghệ là Microsoft, nhưng hiện tại có tới 9/10 công ty top đầu thế giới là công ty công nghệ. Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast dẫn bài phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam.

"Điều đó cho thấy, công nghệ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất và thậm chí là duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá cho bất kì nền kinh tế nào".

Nhà nước đang có chủ trương lấy công nghệ làm bàn đạp để tạo nên sự thay đổi bước ngoặt cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo bà Thủy, vẫn còn nhiều rào cản khiến công nghệ chưa tạo được đà đột phá như kỳ vọng. Bởi để phát triển công nghệ không chỉ đòi hỏi ý chí và quyết tâm cao mà còn cần nguồn lực mạnh mẽ và cách triển khai hiệu quả từ Nhà nước, doanh nghiệp đến từng người dân…

Xác định đây vừa là tương lai của doanh nghiệp, vừa là trách nhiệm góp phần vào sự hưng thịnh của đất nước, ngay từ năm 2017, Vingroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp, thông qua việc khởi công nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast và chỉ chưa đầy một năm sau đó là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart vào năm 2018.

Tháng 8/2018, Vingroup đã chính thức công bố chuyển đổi mô hình phát triển với 3 trụ cột chính là Công nghệ, Công nghiệp và Thương mại dịch vụ, tiến tới trở thành một Tập đoàn Công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới.

Vingroup đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất 100 triệu điện thoại/năm, sắp cho ra đời máy tính bảng - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Công ty TNHH Kinh doanh & Sản xuất VinFast

"Chúng tôi tin rằng nếu làm đúng thì không ngại xuất phát muộn. Chỉ sau 8 tháng công bố chuyển đổi, Vingroup đã có một số bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ trong hầu hết các mảng hoạt động của Tập đoàn", Chủ tịch VinFast tự tin.

Cụ thể, Vingroup đã tiếp cận vào lĩnh vực công nghệ bằng 4 hướng:

Một là, lập bộ phận nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao và áp dụng luôn vào sản phẩm của mình: Vingroup đã thành lập khối Công nghệ với nòng cốt là công ty VinTech, VinFast và Vinsmart cùng nhiều công ty con và công ty Vinbrain, Vin Software, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo, các Viện nghiên cứu thiết kế ô tô, Viện nghiên cứu thiết kế xe máy điện, Viện nghiên cứu thiết kế pin, Viện nghiên cứu thiết kế đô thị thông minh... 

Vingroup cũng đã đồng thời đầu tư vào các start-up có tiềm năng để thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, VinTech City sẽ là một "Thung lũng Silicon" tại Việt Nam, nơi ươm mầm các công ty công nghệ khởi nghiệp, bà Thủy cho biết.

Hai là, hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới để học hỏi và tiếp cận công nghệ lõi và rút ngắn thời gian: Vingroup xác định cần tiếp xúc đỉnh cao ngay từ đầu, từ những công nghệ mới nhất và hợp tác với những đối tác mạnh nhất. 

Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, công ty đang đứng đầu chuỗi giá trị bao gồm những tên tuổi như BMW, General Motors, Magna Steyrs, AVL, Pininfarina, Siemens, Bosch. Trong lĩnh vực sản xuất nghiên cứu, sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh, Vingroup hợp tác với Qualcomm, Google, Mediatek, BQ… Các đối tác mang công nghệ cao giúp công ty ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. 

Ba là, góp sức đào tạo nhân lực tinh hoa và thu hút nhân tài công nghệ về làm việc: Nhằm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ bền vững, có chất lượng cao cho bản thân và cho đất nước, Vingroup đã hợp tác với hơn 50 trường Đại học trong nước, cấp học bổng đào tạo nhân tài ngành CNTT, đào tạo tinh hoa thông qua ĐH VinUni. 

Song song, Vingroup tạo điều kiện để thu hút nguồn chất xám Việt và thế giới. Bà Thủy cho biết, đã có hàng chục giáo sư tiến sĩ Việt kiều nổi tiếng trong giới công nghệ thế giới đang làm việc tại Vingroup. Ngoài ra công ty cũng đã tuyển dụng được nhiều chuyên gia cao cấp nước ngoài về Việt Nam làm việc. Hệ thống nhân sự cao cấp này cũng chính là một kênh quan trọng để tiếp cận xu hướng công nghệ mới nhất và network của những người làm công nghệ trên thế giới.

Bốn là, mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển: Đặt cơ sở tại các nước có nền công nghệ phát triển giúp Vingroup dễ dàng tiếp cận và tận dụng lợi thế công nghệ của các quốc gia đi trước. Vingroup đã và đang triển khai việc này với kế hoạch thành lập Mạng lưới nghiên cứu VinTech toàn cầu tại các nước mạnh về sáng tạo công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức...

Với cách tiếp cận từ nhiều hướng như trên nên chỉ trong một thời gian ngắn VinFast đã làm chủ được các công nghệ và đưa 3 mẫu ô tô cũng như 2 mẫu xe máy điện ra thị trường.  Từ giờ đến cuối năm 2020 VinFast sẽ tiếp tục đưa ra thị trường hơn 10 mẫu xe ô tô và xe máy (cả điện và xăng), tất cả đều là do đội ngũ kỹ sư của VinFast tự dẫn dắt thiết kế. 

Vinsmart cũng chỉ sau chưa đầy nửa năm vừa thiết kế sản phẩm, vừa xây dựng nhà máy mà đến cuối 2018 đã đưa ra thị trường 4 mẫu điện thoại, dự kiến năm 2019 sẽ đưa ra thị trường thêm 12 mẫu điện thoại. 

Vinsmart đã chủ động thiết kế được hệ điều hành riêng.  Hiện tại Vinsmart đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất điện thoại với công suất 100 triệu máy/năm và sẽ lắp đặt máy móc giai đoạn đầu cho 30 triệu máy/năm.  Ngoài điện thoại thì Vinsmart còn sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, TV, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.

Phát triển dự án "trợ lý bác sĩ", nếu thành công sẽ tặng miễn phí cho các bệnh viện 

Ngoài ra, bà Thủy cũng chia sẻ về dự án đang triển khai, được đội ngũ lãnh đạo công ty tâm đắc. Đó là dự án do ông Trương Quốc Hùng, giám đốc Viện VinBrain (thuộc Vintech), nguyên là lãnh đạo cao cấp của Microsoft đang đảm nhiệm với chủ đề là "trợ lý bác sĩ".  

"Một thực tế đáng buồn là ngay cả ở Mỹ với thị trường chăm sóc sức khoẻ tiêu tốn đến hơn 3.000 tỉ USD/năm hiện nay thì việc bác sĩ chẩn đoán bệnh qua hình ảnh sai rất nhiều, dẫn đến khoảng 10% ca tử vong do chẩn đoán sai, tỷ lệ lỗi chẩn đoán X-quang cao tới 30%", Chủ tịch VinFast cho biết thêm.  

Hiện tại chưa có số thống kê tương tự cho thị trường Việt  Nam nhưng theo bà Thủy con số chẩn đoán qua hình ảnh sai chắc cũng không ít hơn ở Mỹ.  Dự án "trợ lý bác sĩ" mà ông Trương Quốc Hùng đang chủ trì ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp cùng với công nghệ hình ảnh máy tính (computer vision) và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) sẽ giúp giảm thiểu sai sót trong chẩn đoán.  Nếu thành công, Vingroup sẽ tặng miễn phí ứng dụng này cho tất cả các bệnh viện trong toàn quốc để áp dụng rộng rãi vì mục đích nhân đạo.

Theo Chủ tịch VinFast, để các doanh nghiệp Việt có đủ tự tin và cả niềm tin tham gia phát triển công nghệ, các chính sách khuyến khích của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, các chính sách ưu tiên về thuế, thủ tục hành chính… cho công nghệ rất cởi mở bởi họ xác định đây là nền tảng phát triển kinh tế.  Hiện tại Việt Nam vẫn thiếu chính sách nhằm thúc đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, như sản xuất ô tô, xe máy điện hay các công nghệ có thể ứng dụng với mục đích nhân đạo. Để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao thì đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, nếu không có sự vào cuộc của Nhà nước sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.  

 Ngoài ra theo bào Thủy, Chính phủ có thể chủ trì tổ chức mạnh hơn nữa các mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ, chú trọng đầu tư hơn nữa cho việc đào tạo các loại hình công nghệ mới trong các trường Đại học; đầu tư vào nghiên cứu một số công nghệ lõi để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cụ thể đối với các doanh nghiệp thì Chính phủ có thể có những biện pháp động viên, thúc đẩy, tạo động lực và thậm chí là áp lực cho các doanh nghiệp buộc họ phải chuyển đổi.  Sự động viên tinh thần từ các lãnh đạo cấp cao, từ Chính phủ cũng rất quan trọng với các doanh nghiệp.

Đông A