Vinanutrifood sẽ IPO vào năm 2023, tham vọng mở chuỗi 10.000 siêu thị hàng Việt
Trong giai đoạn 2020 – 2021, chuỗi xuất khẩu nông sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất thậm chí đóng cửa.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu biến nguy thành cơ, tìm về với thị trường nội địa và có cú "lội ngược dòng" khá thành công.
Cụ thể, CTCP dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) mở hơn 1.000 siêu thị Nutri Mart trên cả nước và một loại siêu thị Nutri Mall, Nutri Center trong vòng 6 tháng cuối năm 2021.
Chia sẻ với người viết về điều này, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Vinanutrifood cho biết: "Dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu bị gián đoạn, hàng ngoại khó về Việt Nam, kể cả hàng tiểu ngạch và chính ngạch.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng, người tiêu dùng ít được lựa chọn hàng nội hay hàng ngoại. Đây là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam lấy lại vị thế và niềm tin của người tiêu dùng, tiếp cận thị trường bán lẻ trong nước", bà Hằng nói.
Bà Hằng cũng cho biết thêm, giai đoạn 2011-2012, Vinanutrifood từng phát triển dự án hàng Việt ở thị trường nội địa nhưng không thành công vì ở thời điểm đó người tiêu dùng chưa hiểu và đánh giá cao về tiêu chuẩn hữu cơ.
Bên cạnh đó, tâm lý sinh ngoại cũng khiến hàng Việt chật vật, "thua ngay trên sân nhà" trong khi doanh nghiệp FDI thâu tóm hệ thống bán lẻ, hàng ngoại ồ ạt vào Việt Nam, chiếm lấy "miếng bánh tỷ USD".
Lần trở về này, Vinanutrifood muốn tận dụng cơ hội, xây dựng Nutri Mart trở thành hệ thống siêu thị đầu tiên bán 100% sản phẩm "Made in Vietnam – Made by Vietnam".
Vinanutrifood dự kiến IPO vào năm 2023 để thu hút đầu tư, có thêm nguồn lực mở rộng hệ thống siêu thị và quốc tế. Theo đó, lộ trình đến năm 2025, Vinanutrifood sẽ mở 10.000 siêu thị Nutri Mart tại Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, Vinanutrifood tham vọng mở hệ thống 1.000 siêu thị hàng thuần Việt đầu tiên tại Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác.
Không riêng Vinanutrifood, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Phúc Sinh Group, Vinamit, Vina T&T cũng tìm ra cơ hội trong dịch COVID-19, củng cố hệ thống bán lẻ, thương mại điện tử để người Việt sẽ tin dùng và yêu thích hàng Việt hơn, nâng cao uy tín cho doanh nghiệp nội địa.
Chủ tịch Vinanutrifood cho rằng hai năm COVID-19 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng trong giai đoạn này, công ty nào vẫn bám trụ vào ngành nông nghiệp, phát triển sản phẩm thế mạnh của Việt Nam thì vẫn thăng hoa.
"Hai năm thăng trầm của nhiều doanh nghiệp nhưng cũng là hai năm "đơm bông, nở hoa" cho sản phẩm nông nghiệp.
Do đó, các bộ ngành địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư vào nông nghiệp, phát triển chuỗi hàng hóa cho sản phẩm thế mạnh, trong đó vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng trong việc mời gọi nhà đầu tư", bà Hằng chia sẻ.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90- 95%.
Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60 - 96%. Tại kênh phân phối chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.
Bộ Công Thương cho rằng nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà hiện tại "hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt".
Không chỉ phát triển kênh bán lẻ trực tiếp, Vinanutrifood cũng đưa nông sản lên khoảng 20 sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba, Taobao, Lazada, Tiki… kết nối hàng chục nghìn đầu mối bán sỉ, lẻ nhập hàng.
Mới đây, Vinanutrifood cũng được Bộ Công Thương ủy quyền là đơn vị phối hợp vận hành & quản lý "Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên JD.com, sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu tại Trung Quốc, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng của thị trưởng tỷ dân.