|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sức sống hàng Việt - Bài 1: Điểm tựa vững vàng

07:07 | 15/09/2021
Chia sẻ
Dịch bệnh cũng cản trở lưu thông hàng hóa trên toàn cầu khiến việc xuất khẩu càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, chính lúc gian nan này, thị trường trong nước đã trở thành điểm tựa vững vàng cho hàng Việt.

Liên tiếp từ tháng 7 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt 2 đầu tàu kinh tế là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với nhiều khu vực đang cùng thực hiện giãn cách ở mức độ cao hơn Chỉ thị 16 khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Doanh nghiệp và người dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, dịch bệnh cũng cản trở lưu thông hàng hóa trên toàn cầu khiến việc xuất khẩu càng trở nên khó khăn hơn. 

Tuy nhiên, chính lúc gian nan này, thị trường trong nước đã trở thành điểm tựa vững vàng cho hàng Việt. Sức sống của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn, khẳng định sự tự chủ của sản xuất trong nước. 

Đặc biệt, Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới đã tạo sự lan toả và chuyển biến thực sự về nhận thức đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong sử dụng hàng Việt cũng như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. 

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết ghi nhận tình hình thực tế này.

Bài 1: Điểm tựa vững vàng

Câu chuyện các doanh nghiệp Việt Nam gồm Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, Công ty TNHH vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vắc xin và Sinh phẩm y tế (Polyvac) ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam đã bắt tay ngay vào nghiên cứu, tự sản xuất và hợp tác với nước ngoài sản xuất thành công vắc xin phòng chống COVID-19 là một thực tế thể hiện tinh thần Việt trong cuộc chiến cùng toàn thế giới chống dịch bệnh. 

Cùng đó, sự mong đợi vắc xin "made in Vietnam" sớm đưa vào sử dụng của người Việt càng cho thấy sự lan tỏa của tinh thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Thị trường 100 triệu dân

Trong khó khăn thị trường đứt gẫy, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… đều đánh giá cao vai trò của thị trường trong nước tại Việt Nam trước ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Đây cũng chính là lý do, khi thị trường xuất khẩu bị đứt gẫy, hàng hóa trong nước vẫn được sản xuất, đảm bảo cung ứng kịp thời cho thị trường 100 triệu dân.

Các lệnh giãn cách xã hội tại 19 tỉnh thành phía Nam, tiếp đến là một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Hà Nội được thực thi, người dân "ai ở đâu ở yên đó".

Doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" thì "luồng xanh" lưu thông hàng hóa vẫn được các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cùng phối hợp và kịp thời giải quyết khi có sự ách tắc để đảm bảo hàng hóa nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.

Về phía các cửa hàng, siêu thị, để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân yên tâm không ra khỏi nhà khi đang thực hiện giãn cách xã hội đã liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, cung ứng nguồn hàng bảo đảm đầy đủ, phong phú và cam kết mức giá ổn định. 

Điều này góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa và làm thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng về hàng Việt, doanh nghiệp Việt.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp và ngành phân phối.

Đây là một trong những động lực thời kỳ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

“Thời điểm này, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song các mặt hàng, phần lớn là hàng Việt không biến động về giá, không có tình trạng khan hiếm hàng tại các siêu thị, người dân cảm thấy yên tâm mua sắm hay yên tâm ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Khảo sát tại một số siêu thị bán lẻ Co.opmart, Vissan, VinMart…, hàng hóa trong nước chiếm tỷ lệ từ 90- 95%. 

Sức sống hàng Việt - Bài 1: Điểm tựa vững vàng - Ảnh 1.

Người dân mua hàng trong siêu thị VinMart. (Ảnh: Song Ngọc).

Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60 - 96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail ở Việt Nam cho biết: Central Retail luôn đánh giá cao vai trò của hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại.

Đồng thời luôn đồng hành với doanh nghiệp trong nước trong việc tiêu thụ hàng hoá cũng như tổ chức các Tuần lễ hàng nông sản của các địa phương nhằm hỗ trợ bà con và hợp tác xã. 

Hiện nay, hệ thống Big C của Tập đoàn có khoảng 45.000 mã hàng hóa; trong đó, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.

Đồng quan điểm này, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông, nhiều năm qua, Công ty mẹ là Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) có chính sách ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt Nam.

Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với các địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cung ứng cho hệ thống.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Mặc dù dịch COVID-19 kéo dài nhưng với sự chủ động và linh hoạt, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm như Cholimex, Sài Gòn Food hay ABC Barkery đã tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu vốn có thế mạnh trong nước và điều chỉnh các dòng sản phẩm mang tính tiện ích hơn để phục vụ người tiêu dùng.

Đây là lý do khiến doanh nghiệp không chỉ “vượt bão” dịch thành công mà còn duy trì tăng trưởng cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững.

Nâng cao vị thế

Nhằm chung tay hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, một trong những phương thức được đánh giá cao hiện nay trong lưu thông hàng hóa là đưa hàng hoá lên sàn thương mại điện tử.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: Xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của tương lai. 

Gian hàng Việt trực tuyến được xem là một biện pháp giúp các doanh nghiệp Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.

Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ký liên kết với một số sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, thời gian tới sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có gian hàng Việt. Cục sẽ tiếp tục thúc đẩy để mở gian hàng Việt tại các sàn thương mại điện tử nước ngoài.

Còn theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), chương trình Gian hàng Việt là siêu thị điện tử để hàng Việt phân phối đi khắp cả nước.

“Quan trọng hơn là giải quyết triệt để vấn đề hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì chất lượng sản phẩm được đảm bảo bởi nhà sản xuất; hồ sơ doanh nghiệp do Bộ Công Thương kiểm tra, đánh giá”, ông Bùi Huy Hoàng bày tỏ.

Chia sẻ thêm về chương trình, ông Nguyễn Quang Thuật - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sen Đỏ, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Sendo.vn cho hay: Sendo là một trong những sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam với khoảng 1 tỷ lượt truy cập trong năm 2020. 

Sendo đang định hướng trở thành một chợ của người Việt, phân phối sản phẩm Việt và hướng tới đông đảo người tiêu dùng ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Sendo đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện nhiều chương trình đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước với người tiêu dùng. 

Qua các chương trình này người tiêu dùng được trải nghiệm nhiều hơn với hàng Việt giá rẻ, chất lượng tốt và ngày càng đa dạng về chủng loại.

Để tận dụng cơ hội từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Ngoài sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt... để hàng hóa nội địa chinh phục người Việt Nam.

Đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp trong câu chuyện làm chủ thị trường nội địa 100 triệu dân thay vì chỉ mải mê "chinh chiến" ở thị trường xuất khẩu, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần chủ động kết nối với vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm để phục vụ tiêu dùng với chi phí thấp nhất, tạo ưu thế cạnh tranh về giá trên thị trường giữa các kênh truyền thống và hiện đại, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh nội địa cần có ý thức hợp tác liên kết để vươn lên thành lập các tập đoàn bán lẻ, đủ sức dẫn dắt thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội.

Cùng với đó, doanh nghiệp nên tận dụng thế mạnh là am hiểu người tiêu dùng, sản xuất tại chỗ dồi dào, chi phí vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ ngắn cộng thêm sức mạnh vốn có của hệ thống phân phối để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư; Kế hoạch tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 và các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với việc thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý cạnh tranh, ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng hàng Việt.

Uyên Hương