|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinalines xin giãn nợ, hỗ trợ tài chính trước ảnh hưởng của Covid-19

15:00 | 24/02/2020
Chia sẻ
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) yêu cầu sự hỗ trợ từ Chính phủ, Thủ tướng và Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong nhiều vấn đề như: cổ phần hóa, xử lí nợ, triển khai dự án đầu tư...
 - Ảnh 1.

Ảnh: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Theo báo cáo từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính Phủ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa qua đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng, Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, và các bộ ngành có liên quan để yêu cầu sự hỗ trợ một loạt các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh, tài chính của Tổng công ty.

Yêu cầu hỗ trợ trước những tác động từ nạn dịch Covid-19

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh, Vinalines kiến nghị Ủy ban nhờ VDP xóa dư nợ lãi vay của các tàu vay mua đóng mới, khoanh nợ gốc và các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp của Tổng công ty, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, khoan nợ gốc khi chưa xử lí nợ.

Và cuối cùng, Vinalines nhờ Bộ Công Thương làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, hiệp hội và chủ hàng Trung Quốc để kêu gọi sử dụng dịch vụ vận tải biển của Việt Nam khi các cửa khẩu đường bộ bị đóng cửa.

Xin hỗ trợ vốn, cơ cấu lại nợ vay

Về công tác cổ phần hóa, Vinalines mong Ủy ban sớm có quyết định về cơ cấu vốn điều lệ của Vinalines, đồng thời cử người đại diện cho phần vốn nhà nước tại Vinalines để Vinalines tổ chức đại hội cổ đông lần đầu và chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

Để đẩy nhanh công tác phá sản các doanh nghiệp con, Vinalines nhờ các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn xử lí những vấn đề phát sinh khi thực hiện thủ tục phá sản như: xử lí tài sản đảm bảo, hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp phá sản,...

Vinalines kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn hoặc có cơ chế đặc thù cho Vinalines về việc hỗ trợ tài chính cho Công ty CNTT Cà Mau để tạm ứng chi phí phá sản và chi phí hoạt động trong thời gian thực hiện phá sản. Đồng thời, kiến nghị TAND TP. Hà Nội sớm tuyên bố phá sản đối với Công ty XNK Vật tư đường biển.

Về cơ cấu tài chính, Vinalines kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh quá trình đàm phán mua bán nợ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Tổng công ty.

Bên cạnh đó tiếp tục hỗ trợ Vinalines tái cơ cấu các khoản nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), xem xét giải pháp để VDB xử lí nợ thông qua mua bán nợ. Cho phép các doanh nghiệp vận tải biển kéo dài thời gian khoanh nợ tại VDB cho các tàu đóng mới, trả dần nợ gốc theo khả năng của doanh nghiệp.

Cho phép Vinalines Hậu Giang khoanh nợ đến hết năm 2020, trả nợ gốc từ năm 2021-2025, trong thời gian trả nợ không tính lãi phát sinh. Hỗ trợ xử lí tái cơ cấu khoản nợ của Công ty Vận tải Biển Đông, thực hiện mua bán nợ thông qua DATC.

Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng và VFC nhận và bàn giao nợ Dự án tàu 1.730 TEU - V22 của Công ty Biển Đông. Hướng dẫn SBIC/VFC tái cơ cấu nguồn trái phiếu quốc tế chính phủ 750 triệu USD trong và ngoài danh mục, nguồn trái phiếu quốc tế 600 triệu USD ngoài danh mục.

Giải pháp gỡ khó trong nhiều hoạt động

Về khó khăn trong triển khai dự án đầu tư, Vinalines có những kiến nghị cụ thể cho từng dự án. Tại Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Vinalines nhờ hỗ trợ xử lí vấn đề trong việc xây dựng cảng. Đối với dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Vinalines kiến nghị Bộ Tài chính cho phép Cảng Sài Gòn tiếp tục nhận vốn ứng của Công ty Ngọc Viễn Đông để hoàn thiện dự án.

Bên cạnh đó, Vinalines cũng nhờ Chính phủ hỗ trợ xử lí dứt điểm các vướng mắt liên quan đến phương án cho thuê cầu số 4, số 5, bãi container bến cảng Chùa Vẽ - Cảng Hải Phòng.

Trong lĩnh vực vận tải biển, do tình trạng thua lỗ kéo dài của một số doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới kết quả hợp nhất nên Vinalines kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các chủ hàng trong nước, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện, phải thực hiện đấu thầu trong nước các gói thầu vận chuyển than để tăng thị phần vận tải của đội tàu Việt.

Trường hợp phải đấu thầu quốc tế thì phải dành khoảng 30% sản lượng với giá bằng giá thắng thầu cho đội tàu của Vinalines thực hiện.

Bên cạnh đó kiến nghị tìm giải pháp thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải biển trong nước được tham gia vào.

Kiến nghị chỉ đạo thực hiện triệt để "Quyền vận tải nội địa", không cấp phép cho tàu treo cờ nước ngoài của chủ tàu nước ngoài vận tải nội địa. Đồng thời có chính sách để bảo hộ quyền vận tải nội địa của các hãng tàu Việt Nam.

Ngoài ra, do đội tàu của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hầu hết đã qua sử dụng hoặc được đóng từ trước 2010 nên hiện đã lỗi thời; chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng ngày càng cao khó đáp ứng các điều kiện, công ước ngày càng siết chặt của ngành hàng hải. Vinalines kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cơ chế vay ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư tàu mới tham gia vào vận chuyển hàng xuất nhập khẩu.

Trong việc khai thác cảng biển, Vinalines kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn và đưa một số doanh nghiệp nhà nước làm đầu mối thực hiện đầu tư, phát triển và quản lí hệ thống cảng biển của đất nước.

Bên cạnh đó, xem xét giao Vinalines làm chủ đầu tư thực hiện dự án 2 bến container Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng trong giai đoạn 2020-2025 và bến container Cảng Sao Mai Bến Đình, Bà Rịa Vũng Tàu trong giai đoạn 2025-2030.

Vinalines cũng kiến nghị các bộ ngành, địa phương xem xét hỗ trợ Vinalines tiếp cận nguồn đất đai phù hợp phát triển hệ thống ICD tại các khu vực kinh tế tiềm năng, tăng cường kết nối với các cảng nước sâu như Cái Mép Thị Vải (Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng).

Thiên Cơ