Trước nhiều khó khăn, 13 'ông lớn' đề xuất 91 kiến nghị
Theo thông tin từ Báo Chính Phủ, ngày 20/2 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với Ủy ban quản lí vốn Nhà nước và 13 doanh nghiệp lớn để kiểm tra việc thực hiện những nhiệm vụ Chính phủ đã đưa ra.
Kết quả tại buổi làm việc cho thấy, sau gần 2 năm thành lập, về cơ bản Ủy ban đã hình thành được cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng đại diện cho vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, công ty. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã tích cực xử lí 259 nhiệm vụ dở dang tiếp nhận từ các bộ.
Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban cũng báo cáo hàng loạt khó khăn đang gặp phải, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban, cho biết hiện tại Ủy ban đang gặp khó khăn trong việc thu hút cán bộ giỏi chuyên môn, có năng lực, kinh nghiệm từ các bộ và khu vực doanh nghiệp về.
Nguyên nhân do hiện tại việc tuyển chọn cán bộ được thực hiện theo qui định áp dụng với cơ quan quản lí Nhà nước, trong khi Ủy ban là cơ quan hành chính.
Một khó khăn lớn khác là thẩm quyền phê duyệt dự án của các đại diện tại doanh nghiệp chưa được qui định rõ bằng văn bản qui phạm pháp luật nên dẫn đến không có một cách hiểu thống nhất trong nội bộ.
Ngoài ra còn xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình chuyển giao quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ quản dự án đầu tư công từ các bộ về Ủy ban.
Bên cạnh đó, việc phải rà soát cơ sở nhà đất của những đơn vị cấp 2, cấp 3 của các tập đoàn, tổng công ty cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Số lượng nhà đất phải rà soát thêm rất lớn, riêng Tập đoàn Than - Khoáng sản tăng từ khoảng 500 cơ sở nhà đất lên đến 1.000 cơ sở, Petrolimex tăng từ khoảng 1.000 cơ sở lên 2.000 cơ sở... Nhưng thẩm quyền của các đại diện lại không được qui định rõ.
Trước những khó khăn đó, có tổng cộng 10/13 tập đoàn, tổng công ty đã nêu lên 91 kiến nghị, gồm 65 kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng và 26 kiến nghị với Ủy ban.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện Lực (EVN) cho biết vẫn còn một số nhiệm vụ như bảo đảm cung ứng điện, thực hiện dự án đầu tư, cổ phần hóa và thoái vốn chưa thực hiện được.
EVN kiến nghị Ủy ban kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ thị tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, ban hành cơ chế giá điện 2 thành phần, phê duyệt cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách,...
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Tổng công ty Hàng không cho biết khủng hoảng ngành hàng không từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 dự kiến kéo dài đến tháng 5 nên kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ như giãn nghĩa vụ thuế.
Tập đoàn Dầu khí cũng kiến nghị Ủy ban sớm ban hành qui chế tài chính mới cho Tập đoàn và xử lí các vấn đề chuyển tiếp.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư. Nhiều tập đoàn, tổng công ty khác cũng kiến nghị Ủy ban sớm xem xét, xử lí các khó khăn đã nêu trong các văn bản trước đó.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/